VNReport»Kinh tế»Nhiều tập đoàn trên thế giới khó tránh vòng xoáy khủng hoảng của Adani Group

Nhiều tập đoàn trên thế giới khó tránh vòng xoáy khủng hoảng của Adani Group

12:12 - 07/02/2023

Cuộc khủng hoảng tại Adani Group tuần vừa qua đã gây hệ luỵ không nhỏ tới nhiều đế chế kinh doanh nổi tiếng trên thế giới có quan hệ làm ăn với tập đoàn này.

Đế chế được sáng lập bởi tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận thương mại từ Hindenburg Research, một công ty nghiên cứu đầu tư tại New York.

Mặc dù phía Gautam Adani đã tung ra báo cáo phản bác cho rằng cáo buộc của Hindenburg là vô căn cứ và trấn an nhà đầu tư rằng tình hình tài chính của tập đoàn vẫn vững mạnh, song, cổ phiếu công ty vẫn sụt giảm trầm trọng.

Từ sau cáo buộc trên, giá trị vốn hóa thị trường của các công ty thuộc đế chế Adani đã “bay hơi” 110 tỷ USD, còn tài sản của vị tỷ phú giàu nhất châu Á cũng đã tụt dốc xuống chỉ còn hơn 61 tỷ USD.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani

Báo cáo của Hindenburg cũng buộc một trong những trụ cột của Tập đoàn Adani là Adani Enterprises phải huỷ bỏ đợt bán cổ phiếu lên tới 2,5 tỷ USD dù đã được các nhà đầu tư Ấn Độ và Vùng Vịnh đăng ký mua hết chỉ sau 24 giờ chào bán.

Rắc rối của Adani Group còn gây ảnh hưởng đến nhiều đế chế kinh doanh nổi tiếng trên thế giới khi từ Virginia cho đến Marseille hay Trung Đông, nhà đầu tư và các đối tác liên doanh với mảng kinh doanh của đế chế tỷ phú Adani bất ngờ phải hứng chịu đợt bán cổ phiếu mạnh nhất trong lịch sử.

Với nhiều mối liên kết và hợp tác kinh doanh, những rối ren xung quanh các hoạt động kinh doanh của tỷ phú Adani không chỉ giới hạn trong phạm vi Ấn Độ mà đã lan tỏa ra toàn cầu.

Chẳng hạn, Công ty Wilmar International thuộc quyền kiểm soát của gia đình giàu nhất Malaysia – ông Robert Kuok là một trong những đối tác lâu năm nhất của tập đoàn Adani. Liên doanh Adani Wilmar có giá trị vốn hóa thị trường ước tính khoảng 547,2 tỷ rupee tức khoảng 6,7 tỷ USD.

Dù hiện tại, đại diện Wilmar khẳng định báo cáo của Hindenburg chưa tạo ra rắc rối nào với liên doanh được quản lý độc lập này. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn liên doanh này không thể đứng ngoài vòng xoáy khủng hoảng của Adani Group.

Bên cạnh đó, “ông lớn” bán lẻ Walmart cũng có liên quan đến nhóm doanh nghiệp thuộc tập đoàn Adani thông qua chi nhánh tại Ấn Độ có tên Flipkart. Flipkart có mối quan hệ đối tác với công ty Adani Logistics vào năm 2021, trong đó Adani sở hữu trung tâm dữ liệu mới, mua và cho Flipkart thuê trung tâm xử lý hàng hóa quy mô 49.610 mét vuông tại Mumbai.

EdgeConneX, công ty sở hữu dịch vụ trung tâm dữ liệu trụ sở tại bang Virginia – Mỹ, cũng có liên doanh với tỷ lệ vốn góp 50-50 với tập đoàn Adani vào năm 2021 để phát triển trung tâm dữ liệu trên khắp Ấn Độ. Những trung tâm này chủ yếu được vận hành bởi năng lượng tái sinh và được dự kiến đầu tư lượng vốn lớn trong thập kỷ tới.

CMA CGM – doanh nghiệp vận tải container lớn thứ 3 trên thế giới cũng đã ký kết hợp đồng 15 năm với tập đoàn Adani vào năm 2017 để điều hành khu cảng Mundra lớn nhất tại Ấn Độ.

Gần đây, tập đoàn Adani cũng thâu tóm công ty cảng lớn thứ 2 của Israel thông qua liên doanh với tập đoàn Gadot, một doanh nghiệp cung cấp chất hóa học thuộc sở hữu của hai tổ chức đầu tư Israel. Tập đoàn Adani và Gadot đã thắng thầu quyền điều hành cảng vào năm ngoái với số tiền 1,2 tỷ USD và chính thức công bố có thỏa thuân hợp tác trong tuần này trong sự kiện tại Haifa.

Giới chuyên gia cho rằng những diễn biến căng thẳng của Adani Group chắc chắn sẽ tiếp tục làm các nhà đầu tư hoang mang và gây hệ luỵ không nhỏ tới các tập đoàn quốc tế kể trên, dẫn đến tác động lan rộng ra toàn cầu.

Tuy vậy, rắc rối của Adani Group đang khiến thị trường rúng động song đây cũng không phải lần đầu tiên các tập đoàn ở châu Á rơi vào tầm ngắm của các hãng bán khống vì năng lực quản trị yếu kém, định giá bị thổi phồng và nợ nần chồng chất.

Trước đó, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc China Evergrande vẫn tồn tại dù nhiều lần bị nhắm tới, cho đến khi Bắc Kinh vào cuộc chấn chỉnh ngành công nghiệp địa ốc.