VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc phục hồi ngoạn mục

Kinh tế Trung Quốc phục hồi ngoạn mục

15:15 - 07/02/2023

Quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc hiện đang diễn ra nhanh và sớm hơn so với kỳ vọng.

Khi làn sóng Covid-19 qua đi, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã trở lại như bình thường. Chỉ số hoạt động bên ngoài ngành sản xuất của quốc gia này đã tăng từ 41,6 điểm của tháng 12/2022 lên 54,4 điểm của tháng 1/2023. Đây cũng là mức tăng cao thứ 2 trong lịch sử.

Chuyên gia Xiaoqing Pi và Helen Qiao thuộc Bank of America cũng quan sát thấy những sự khởi sắc đáng kể trong các ngành bán lẻ, lưu trú cũng như dịch vụ ăn uống so với khoảng thời gian sụt giảm thê thảm vì đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc như tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông và Tứ Xuyên đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 5%.

Các hộ gia đình Trung Quốc đang có thanh khoản dồi dào. Tổng tiền gửi tại ngân hàng vượt mức 120 nghìn tỷ nhân dân tệ tức khoảng 18 nghìn tỷ USD, theo tính toán của Citigroup. Tiền gửi dồi dào sẽ có thể giúp mang đến làn sóng chi tiêu “trả thù”.

Trên nền tảng thương mại điện tử Meituan, một số nhà hàng hiện đang có danh sách chờ lên đến 1.000 bàn. Citigroup dự đoán năm nay tiêu dùng sẽ chiếm 80% tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nếu tính cả chi tiêu của chính phủ.

Một số ngân hàng đầu tư đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023. Deutsche Bank dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng khoảng 6% trong năm nay và tăng trưởng ổn định hơn trong năm 2024 khi thoát khỏi những tác động của đại dịch kéo dài 3 năm qua.

Trung Quốc dần thoát khỏi những tác động của đại dịch

Không chỉ đối với Trung Quốc, sức mua lớn của người dân nước này được dự báo sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay, đóng góp 40% cho sự mở rộng của nền kinh tế thế giới. Trong khi mức đóng góp của Mỹ và châu Âu cộng lại chỉ chưa đến 20%.

Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng ước tính mỗi 1% tăng trưởng của GDP Trung Quốc sẽ giúp GDP của phần còn lại thế giới tăng khoảng 0,25% sau một hoặc hai năm. Nếu việc mở cửa giúp nâng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 3% lên 5-6% trong năm nay thì GDP của phần còn lại thế giới có thể tăng 0,5-0,75% (tương đương 400-600 tỷ USD).

Mặc dù vậy, nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng khiến áp lực giá thêm trầm trọng, khiến nhiều nền kinh tế phải giảm tốc bằng cách tăng lãi suất hoặc hoãn các đợt cắt giảm.

Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard lưu ý rằng việc Trung Quốc rời bỏ Zero COVID là yếu tố khó lường đối với nhu cầu và lạm phát toàn cầu, đặc biệt là với hàng hóa.

Bà Christine Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng cảnh báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng áp lực lạm phát, bởi nước này sẽ tiêu thụ thêm năng lượng.

Theo Goldman Sachs, sự thay đổi của Trung Quốc có thể khiến giá dầu Brent tăng thêm 15-21 USD so với mức hiện nay là khoảng 80 USD/thùng.