VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Các doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn

Các doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn

17:31 - 08/02/2023

Trong tháng 1/2023, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 43.900 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 99,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 68,6 nghìn lao động, tăng 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với tháng 12/2022.

So với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp thành lập mới đã giảm 16,6%; giảm 48,5% về số vốn đăng ký và giảm 11% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 8,2% so với tháng trước và giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp còn đối mặt nhiều thách thức

Nếu tính cả 279 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2023 là 378,1 nghìn tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 146,8% so với tháng 12/2022 và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2023 lên 25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, chỉ trong tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 43.900 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn hai năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại. Sức ép lạm phát còn cao, nhất là do các tác động từ bên ngoài; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Đặc biệt, trong quý 4/2022, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến thị trường thì hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm… khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, khiến cho số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua có sự gia tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đây là thời điểm cần bổ sung thêm các nguồn năng lượng tích cực mới cho giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Theo đó, Chính phủ sẽ đồng hành, hỗ trợ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tiếp thêm niềm tin và động lực để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.