VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vốn ngoại đổ mạnh vào chứng khoán châu Á

Vốn ngoại đổ mạnh vào chứng khoán châu Á

14:38 - 10/02/2023

Đồng USD yếu đi và sự lạc quan về chính sách lãi suất của Fed thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh cổ phiếu ở các nước châu Á bao gồm Việt Nam trong tháng 1.

Chứng khoán các nước mới nổi ở châu Á ngoài Trung Quốc nhận được dòng vốn ngoại lớn vào tháng 1, vì nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và đồng USD yếu đi so với các đồng tiền trong khu vực.

Dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Đài Loan, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,8 tỷ USD giá trị cổ phiếu của khu vực trong tháng 1. Năm ngoái, họ bán 57,2 tỷ USD cổ phiếu khu vực.

Ngoài ra, quyết định mở lại biên giới của Trung Quốc thúc đẩy hy vọng rằng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của khu vực sẽ mạnh mẽ hơn trong năm nay, thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.

Khối ngoại mua ròng 8,8 tỷ USD cổ phiếu châu Á mới nổi ngoài Trung Quốc trong tháng 1.

Khối ngoại mua ròng 8,8 tỷ USD cổ phiếu châu Á mới nổi ngoài Trung Quốc trong tháng 1.

Đài Loan và Hàn Quốc ghi nhận lượng mua trong tháng lớn nhất 2 năm qua, với dòng vốn vào ròng lần lượt là khoảng 6,6 tỷ USD và 5 tỷ USD.

“Kỳ vọng về chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc đang hỗ trợ phần nào cho những lĩnh vực tăng trưởng nhạy cảm với lãi suất”, theo Yeap Jun Rong – chiến lược gia thị trường tại IG. “Điều đó có thể giải thích cho dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào Đài Loan và Hàn Quốc, những nơi có nhiều cổ phiếu tăng trưởng hơn”.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng lần lượt nhận được 565 triệu, 178 triệu và 122 triệu USD vốn ngoại.

Chứng khoán Ấn Độ ghi nhận dòng thoát vốn ròng trị giá 3,52 tỷ USD do định giá cao hơn và tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của các cổ phiếu Tập đoàn Adani.

Chỉ số MSCI Châu Á-Thái Bình Dương tăng 7,2% trong năm nay sau khi giảm khoảng 20% vào năm 2022. Tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E) dự phóng 12 tháng của chỉ số này ở mức 13,24 vào cuối tháng 1, vẫn thấp hơn so với mức trung bình 10 năm là 13,44.

Aman Patel – chiến lược gia đầu tư tại Credit Suisse – cho biết tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với chi phí đầu vào cao khiến doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong khu vực gặp rủi ro. Điều này có thể gây ra đợt giảm giá tiếp theo đối với chứng khoán nói chung. Tuy nhiên, ông kỳ vọng chính sách hậu “zero Covid” của Trung Quốc có khả năng thúc đẩy tăng trưởng cao hơn mặc dù nhu cầu bên ngoài vẫn yếu.