VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều trở lực

Kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều trở lực

13:58 - 15/02/2023

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bị cản trở bởi loạt vấn đề bất lợi đến từ cả trong nước lẫn quốc tế.

Quý IV/2022, GDP Trung Quốc tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả năm 2022, GDP Trung Quốc tăng 3%, đạt hơn 121.020 tỷ Nhân dân tệ (17.950 tỷ USD), thấp nhiều so với mục tiêu Quốc hội nước này đề ra là mức tăng trưởng xung quanh 5,5%. Đây cũng là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh trong vòng 47 năm qua.

Các chuyên gia nhận định, dù Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng do dịch tái bùng phát liên tục nên đã kìm hãm sản xuất, tiêu dùng cũng như đầu tư chững lại. Sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc – một chỉ số kinh tế quan trọng, chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vẫn chưa ổn định

Cục Thống kê Quốc gia nước này cũng nhận định, mặc dù hoạt động kinh tế các tháng cuối năm 2022 và tháng đầu năm 2023 đã phần nào ổn định nhưng nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa ổn định. Kinh tế Trung Quốc vẫn tồn đọng những vấn đề cơ bản.

Chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang gánh những khoản nợ lớn, làm hạn chế khả năng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Nước này cũng nỗ lực vực dậy ngành bất động sản như nới lỏng quy định cho vay, nhưng vẫn chưa thể đảo ngược xu hướng doanh số bán nhà sụt giảm vì người mua vẫn rất thận trọng.

Dù các hộ gia đình đại lục đã tiết kiệm được 2,6 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, nhưng chưa đến 30% số tiền đó được chi tiêu. Họ chủ yếu gửi vào tài khoản tiết kiệm dài hạn. Thị trường lao động vẫn ảm đạm và giá bất động sản sụt giảm đang khiến tài sản của các hộ gia đình giảm giá trị.

Logan Wright – giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, cho rằng sự hồi phục của sức tiêu dùng sẽ không nhiều và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Ông dự đoán, sau khi tăng trưởng nhanh chóng vào khoảng quý II, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhanh chóng mất đà.

Bên cạnh đó, theo IMF, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề kinh tế dài hạn bao gồm dân số lão hoá và tổng năng suất lao động tăng chậm lại. Việc đặt trọng tâm vào những khu vực kém năng suất như các doanh nghiệp quốc doanh và lĩnh vực bất động sản cũng đẩy cao nguy cơ nợ công chồng chất.

Mặt khác, IMF nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn đang bị phủ bóng bởi những yếu tố như căng thẳng địa chính trị và cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ.

“Nếu không có nỗ lực cải cách, dân số lão hoá và năng suất suy giảm có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong dài hạn, hơn cả những gì mà chúng tôi dự báo”, báo cáo của IMF khẳng định.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2023 diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, một số chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm từ mức trước Covid-19 là 6- 6,5% xuống khoảng 3- 4% trong năm nay.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng chậm lại là điều khó tránh khỏi khi quy mô nền kinh tế tăng lên và quá trình này thậm chí còn được đẩy nhanh bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là sự suy thoái mạnh trong lĩnh vực bất động sản, vốn là một trong những động lực tăng trưởng chính ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua.

Mặc dù còn tồn tại nhiều lực cản, tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện Zero Covid, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế và chuyên gia có chung nhận định khá lạc quan cho viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh trong năm nay.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Trung Quốc tăng 4,3% trong năm 2023.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, vượt xa tốc mức 1,4% dự kiến ở Mỹ và 0,7% ở EU.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng tỏ ra lạc quan với nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 4,6% trong năm nay. Các chuyên gia cũng cho rằng sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đang tạo ra những động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu năm 2023.