VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát Mỹ vẫn dai dẳng

Lạm phát Mỹ vẫn dai dẳng

10:04 - 17/02/2023

Thước đo giá cả mà các doanh nghiệp đối mặt tăng 0,7% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu mới nhất khiến cổ phiếu giảm giá vì lo ngại lạm phát dai dẳng hơn.

Giá sản xuất ở Mỹ tăng 6% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, trong một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng trong nền kinh tế.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) – phản ánh các điều kiện cung ứng trong nền kinh tế – tăng chậm hơn so với mức tăng 6,5% của tháng 12. Nó cũng giảm rõ rệt so với mức đỉnh 11,7% vào tháng 3/2022.

Nhưng PPI tháng 1 tăng 0,7% so với tháng trước, so với mức giảm 0,2% từ tháng 11 đến tháng 12 và nhanh hơn đáng kể so với mức tăng trung bình hàng tháng 0,2% trong năm trước đại dịch.

Dữ liệu mới nhất càng khiến giới đầu tư thêm lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) sẽ phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để chế ngự lạm phát. S&P 500, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq đều giảm ngay sau khi dữ liệu lạm phát mới nhất được công bố.

Chỉ số giá sản xuất phản ánh giá mà các nhà cung cấp đưa ra cho doanh nghiệp

Chỉ số giá sản xuất phản ánh giá mà các nhà cung cấp đưa ra cho doanh nghiệp

Báo cáo PPI là một “bước lùi trong cuộc chiến chống lạm phát”, theo Kurt Rankin – chuyên gia kinh tế cấp cao tại PNC. “Giá sản xuất tăng hôm nay sẽ dẫn đến người tiêu dùng phải đối mặt với giá tăng ngày mai”.

Trong tuần này, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố giá tiêu dùng tăng 6,4% trong tháng 1 so với một năm trước, giảm nhẹ so với mức 6,5% trong tháng 12 và đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp lạm phát giảm.

Gần đây, các quan chức Fed liên tục nói với công chúng rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lạm phát lâu dài. Đầu tháng này, các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa nó lên phạm vi từ 4,5% đến 4,75%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Fed được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 3 và báo hiệu nhiều khả năng tăng thêm nữa.

“Chúng ta vẫn phải chuẩn bị để tiếp tục tăng lãi suất trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây nếu một lộ trình như vậy là cần thiết để phản ứng với những thay đổi trong triển vọng kinh tế hoặc để bù đắp bất kỳ sự nới lỏng không mong muốn nào”, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Ba.

Nền kinh tế Mỹ đang cho thấy khả năng chống chịu vào đầu năm nay, sau khi người tiêu dùng giảm chi tiêu và một số công ty lớn tuyên bố sa thải nhân viên vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng trước giảm xuống 3,4%, mức thấp nhất kể từ năm 1969 và doanh số bán lẻ tăng 3% trong tháng 1 khi người tiêu dùng tăng mạnh chi tiêu cho xe cộ, đồ nội thất, quần áo và ăn uống bên ngoài.

Nhu cầu mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể gây áp lực tăng giá.

PPI phản ánh giá mà các nhà cung cấp đưa ra cho doanh nghiệp. Thước đo này thường phản ánh thay đổi về chi phí mà các công ty sản xuất phải đối mặt, và có thể báo hiệu thay đổi trong tương lai đối với áp lực lạm phát.

Báo cáo tháng 1 cho thấy giá hàng hóa tăng so với một tháng trước đó, phần lớn phản ánh các sản phẩm năng lượng. Trước đó, giá hàng hóa giảm trong tháng 12. Giá dịch vụ tháng 1 tăng cùng tốc độ như trong tháng 12.

Chỉ số giá sản xuất cơ bản – không bao gồm thực phẩm, năng lượng và lợi nhuận của nhà cung cấp – tăng 0,6% trong tháng 1 so với một tháng trước đó, sau khi tăng 0,2% trong tháng 12. Trên cơ sở 12 tháng, PPI cơ bản tăng 4,5%, giảm nhẹ so với mức tăng 4,7% trong tháng 12.