VNReport»Kinh tế»Dư địa lớn cho hàng hóa Việt thâm nhập thị trường UAE

Dư địa lớn cho hàng hóa Việt thâm nhập thị trường UAE

15:20 - 17/02/2023

Hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) do nhu cầu tiêu dùng cao, sản xuất nội địa chưa đáp ứng.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%. Như vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể còn ảm đạm hơn năm 2022. Xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khi các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc… giảm sức mua. Để tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần khai thác các thị trường mới, thị trường ngách… để có đơn hàng sản xuất.

Trong số các thị trường tiêm năng, UAE nổi lên là thị trường có nhiều triển vọng bởi sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa. Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung cho hay doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng điều này để xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông thủy sản, túi xách, vali, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện… bởi đây là những mặt hàng UAE có nhu cầu rất lớn.

Hàng hóa Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang UAE

Ông Trương Xuân Trung – Thương vụ Việt Nam tại UAE (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) cũng cho biết, do sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của UAE khá hạn chế, hầu hết lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp thặng dư thương mại của Việt Nam với UAE đạt 3,3 tỷ USD năm vừa qua.

Trong đó, một số sản phẩm của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và tiếp tục có khả năng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm nay. Ví dụ, với nhóm thuỷ sản, theo số liệu thống kê năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang UAE tăng trên 18% so với năm 2021. Riêng mặt hàng cá tra đông lạnh, phi lê, Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần.

Trong nhóm hàng nông sản, rau quả: Thanh long, dưa hấu, chanh không hạt… Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường UAE nói riêng, cũng như thị trường các nước Trung Đông và GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng vịnh) nói chung. Các mặt hàng này của Việt Nam đang được bày bán phổ biến trong siêu thị của UAE.

Bên cạnh đó, hạt điều Việt Nam hiện cũng chiếm thị phần lớn nhất tại UAE, tới 81%. Kim ngạch xuất khẩu điều năm 2022 đạt trên 55 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021. Hạt tiêu Việt Nam cũng chiếm tới 60% thị phần nhập khẩu của UAE, đạt kim ngạch 58 triệu USD.

Với mặt hàng gạo, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ và Pakistan về xuất khẩu vào UAE, kim ngạch năm 2022 đạt 25 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,3%, đây cũng là nhóm hàng tiềm năng để xuất khẩu vào UAE trong thời gian tới.

Không chỉ nông – thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu sang UAE. Trong đó, nhóm mặt hàng chế biến, chế tạo, Việt Nam có thể tăng cường mặt hàng túi xách, va li và ví; gỗ và sản phẩm từ gỗ; dệt may; giày dép.

Theo ông Trung, mặc dù hàng Việt đã có mặt, thậm chí chiếm thị phần lớn tại UAE song cạnh tranh trên thị trường này rất khốc liệt về giá và chất lượng. Ngoài ra, UAE là quốc gia hồi giáo, hầu hết thực phẩm và đồ uống khi nhập khẩu vào UAE đều phải có chứng nhận Halal. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này.

Tại hội nghị xúc tiến thương mại diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, xác định đúng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường; chú ý kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung ứng vật tư nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm có sẵn và phát triển sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.

Đặc biệt, lãnh đạo ngành Công Thương cũng nhấn mạnh bằng mọi cách duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.