VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Signature sụp đổ vì dính dáng đến tiền mã hóa

Ngân hàng Signature sụp đổ vì dính dáng đến tiền mã hóa

09:24 - 13/03/2023

Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ trong 3 ngày. Để trấn an thị trường, cơ quan quản lý cho biết sẽ chi trả toàn bộ tiền gửi cho khách hàng của 2 ngân hàng, kể cả phần vượt giới hạn bảo hiểm 250.000 USD.

Ngân hàng Signature bị đóng cửa bởi cơ quan quản lý Mỹ vào Chủ nhật, trong vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong 3 ngày.

Ngân hàng có trụ sở tại New York phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin sau khi ngân hàng cỡ trung Silicon Valley Bank (SVB) bị cơ quan quản lý tiếp quản vào thứ Sáu. Signature cũng bị ảnh hưởng lớn bởi một khoản cược thất bại vào tiền mã hóa và việc cơ quan quản lý thắt chặt khả năng tiếp cận của các ngân hàng với tài sản số. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 3 trong lịch sử Mỹ.

Theo những người quen thuộc với vấn đề, ngân hàng đã chạy đua để tìm người mua hoặc một giải pháp khác nhằm củng cố tình hình tài chính trước sáng thứ Hai, nhưng không thể hoàn thành kịp thời.

Signature Bank là một trong những ngân hàng ưa thích của các công ty tiền mã hóa.

Signature Bank là một trong những ngân hàng ưa thích của các công ty tiền mã hóa.

Vào tối Chủ nhật, các quan chức thông báo rằng khách hàng của Signature và SVB sẽ nhận lại được toàn bộ tiền gửi của mình, kể cả phần vượt giới hạn bảo hiểm 250.000 USD.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính có hành động bất thường: chỉ định SVB và Signature là rủi ro hệ thống đối với hệ thống tài chính, giúp các cơ quan quản lý linh hoạt trong việc chi trả phần tiền gửi không được bảo hiểm. Họ hy vọng rằng hành động này và những động thái khác để bảo vệ tiền gửi sẽ ngăn chặn khách hàng ở các ngân hàng khác rút tiền hàng loạt vào sáng thứ Hai.

Signature mở cửa vào năm 2001 và tự quảng cáo như một giải pháp thay thế cho các ngân hàng lớn, với dịch vụ khách hàng vượt trội và quy tắc đơn giản hóa. Họ từng đứng về phía một khách hàng nổi tiếng khi người này phải đối mặt với cáo buộc rửa tiền.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, Signature phát triển nhanh chóng và cổ phiếu của ngân hàng tăng giá mạnh. Vào năm 2018, Signature thuê nhân sự chuyên về tiền mã hóa như một phần trong nỗ lực mở rộng ra ngoài lĩnh vực bất động sản thương mại. Các ngân hàng khác ngại tiếp nhận khách hàng tiền mã hóa và Signature trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu phục vụ ngành đó. Việc làm ăn với các công ty tiền mã hóa giúp ngân hàng tăng gấp đôi số tiền gửi trong 2 năm. Vào đầu năm 2022, khoảng 27% tiền gửi của họ đến từ khách hàng sử dụng tài sản kỹ thuật số.

Nhưng trong năm qua, mức độ tiếp xúc của Signature với tiền mã hóa trở thành một vấn đề. Đợt bán tháo tiền mã hóa – trầm trọng hơn sau vụ sụp đổ sàn giao dịch FTX vào tháng 11 – khiến ngân hàng bị rút hàng tỷ USD tiền gửi.

Cuối năm ngoái, ngân hàng cho biết họ sẽ giảm mức độ tiếp xúc với tiền mã hóa và chia tay một số khách hàng tiền mã hóa. Họ cắt đứt quan hệ với hoạt động kinh doanh quốc tế của Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Nhưng động thái đó không trấn an được nhà đầu tư. Khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn sau những vụ sụp đổ vào tuần trước của Silvergate Capital – một ngân hàng tiền mã hóa khác – và ngân hàng SVB chuyên phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ.

Sự sụp đổ của Signature có nguy cơ cắt đứt hơn nữa ngành công nghiệp tiền mã hóa khỏi hệ thống ngân hàng chính thống của Mỹ. Cuối Chủ nhật, một số công ty tiền mã hóa họp khẩn cấp và những công ty khác nhắn tin cho các chủ ngân hàng, cố gắng tìm các tổ chức tài chính khác để gửi tiền.

Circle – một công ty phát hành stablecoin (tiền mã hóa có giá trị gắn với tiền pháp định) – sẽ giải quyết giao dịch thông quan Ngân hàng New York Mellon, theo CEO Jeremy Allaire., sau khi Signature đóng cửa. Tuần trước, đồng stablecoin của Circle bị mất mức cố định 1 USD do lo ngại về các đối tác ngân hàng của công ty.

Cổ phiếu của Signature giảm 23% vào thứ Sáu, ngày tệ nhất kể từ khi niêm yết công khai vào năm 2004 và đã giảm hơn 75% trong 12 tháng qua. Một số khách hàng – hoảng sợ trước sự sụp đổ nhanh chóng của các ngân hàng khác – bắt đầu chuyển tiền của họ từ Signature sang các tổ chức tín dụng khác trong vài ngày qua.

Trong một tuyên bố, cơ quan quản lý nói rằng các cổ đông của ngân hàng sẽ không được bảo vệ và ban lãnh đạo cấp cao đã bị cho thôi việc.

Ngân hàng có 110 tỷ USD tài sản và 88,6 tỷ USD tiền gửi tính đến cuối năm 2022. Tính theo tiền gửi, đây là ngân hàng lớn thứ 30 ở Mỹ. Giống như SVB, Signature phụ thuộc rất nhiều vào các khoản tiền gửi quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD. Tính đến cuối tháng 12, 89,7% tiền gửi của họ không được bảo hiểm. Những khoản tiền gửi dạng này có thể nhanh chóng chạy khỏi ngân hàng nếu khách hàng lo ngại về sự an toàn.