VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3% năm 2023

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3% năm 2023

15:23 - 14/03/2023

Ngân hàng Thế giới cảnh báo các rủi ro tiêu cực bao gồm tăng trưởng kém hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính, điều kiện tài chính thắt chặt, lạm phát cao, nợ doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, và lỗ hổng trong lĩnh vực tài chính.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo giảm xuống 6,3% trong năm 2023 từ mức 8% của năm ngoái, do tăng trưởng dịch vụ hạ nhiệt, giá cả và lãi suất cao hơn đè nặng lên các hộ gia đình và nhà đầu tư, theo báo cáo bán niên về nền kinh tế Việt Nam mới công bố của Ngân hàng Thế giới.

Báo cáo cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến tăng lên 6,5% vào năm 2024 khi nền kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cải thiện.

Triển vọng của Việt Nam phản ánh sự không chắc chắn ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro tiêu cực bao gồm tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro, điều kiện tài chính thắt chặt, lạm phát trong nước cao hơn, điểm yếu trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, và lỗ hổng trong lĩnh vực tài chính.

Báo cáo cho biết những thách thức trong và ngoài nước đòi hỏi sự tăng cường cảnh giác và phản ứng chính sách dựa trên dữ liệu. Cơ quan quản lý cần cân nhắc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát, và tăng cường khuôn khổ giám sát cho lĩnh vực tài chính. Ở mặt tích cực, sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu mạnh hơn dự kiến có thể nâng cao xuất khẩu và theo đó là tăng trưởng.

“Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, không giống như nhiều quốc gia khác”, Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – cho biết. “Thực hiện hiệu quả các khoản đầu tư công ưu tiên là chìa khóa để hỗ trợ tăng trưởng, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả”.

Phần đặc biệt của báo cáo về khu vực dịch vụ của Việt Nam xác định 4 cải cách chính có thể khai phá tiềm năng lĩnh vực này. Theo phân tích “Khai thác tiềm năng của khu vực dịch vụ cho tăng trưởng trong tương lai”, để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn lĩnh vực dịch vụ đa dạng để đảm bảo tăng trưởng năng suất bền vững hơn. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các cải cách để nâng cao năng suất của khu vực dịch vụ và những đóng góp liên ngành của khu vực này đối với tăng trưởng năng suất của khu vực sản xuất và nông nghiệp.

Mặc dù khu vực dịch vụ của Việt Nam đã tăng tỷ trọng trong nền kinh tế, sử dụng nhiều lao động hơn và tăng năng suất lao động trong thập kỷ trước năm 2019, nhưng thành tích của Việt Nam trong khu vực này vẫn thua kém các quốc gia ngang hàng như Malaysia, Philippines và Indonesia.

Xuất khẩu các dịch vụ giàu tri thức – được gọi là “dịch vụ đổi mới toàn cầu” – chỉ chiếm 9% tổng xuất khẩu dịch vụ và khu vực con này chỉ chiếm 6,4% tổng số việc làm trong khu vực dịch vụ. Nó bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp, là một trong những lĩnh vực dịch vụ có hiệu suất cao nhất trong nền kinh tế. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, hạn chế đối với thương mại dịch vụ, mức độ áp dụng công nghệ thấp và sự khan hiếm các mối liên kết liên ngành ảnh hưởng đến năng suất, cho thấy vẫn còn dư địa cải thiện thông qua chính sách phù hợp.

Các biện pháp cải cách chính được Ngân hàng Thế giới gợi ý gồm:

  • Giảm bớt hạn chế đối với thương mại dịch vụ và đầu tư vào khu vực này, tăng cường cạnh tranh và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong nước;
  • Khuyến khích đổi mới sản phẩm, quy trình và áp dụng công nghệ ở cấp doanh nghiệp;
  • Tăng cường kỹ năng và năng lực của người lao động và người quản lý;
  • Tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là sản xuất.