VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp: Không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Doanh nghiệp: Không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

17:11 - 15/03/2023

Đề xuất của Bộ Tài chính thêm đồ uống có đường vào danh mục sản phẩm bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vấp phải sự phản đối của các hiệp hội doanh nghiệp.

Sáng thứ Tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đồ uống từ đại mạch và nước giải khát không cồn. Theo Bộ, lý do là vì đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì. Các nước đã dần bổ sung loại đồ uống này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường vì chúng là nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì.

Bộ Tài chính cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường vì chúng là nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì.

Nhưng theo ông Đỗ Thái Vương – Trưởng tiểu ban Nước giải khát của VBA – chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng mình việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ góp phần giảm tình trạng trên. Hiện nay, ngoài nước giải khát, có rất nhiều thực phẩm có hàm lượng calo và đường cao trên thị trường.

Vì vậy, ông cho rằng nếu chỉ áp thuế với đồ uống có đường thì sẽ tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt, đồng thời không giúp giải quyết vấn đề thừa cân béo phì. Ông bổ sung rằng chính sách này sẽ tác động nặng nề đến ngành nước giải khát và gây hệ lụy không mong muốn cho các ngành kinh tế liên quan như mía đường, bán lẻ, đóng gói.

Với định nghĩa không rõ ràng về “đồ uống có đường”, có lo ngại rằng đề xuất của Bộ Tài chính bao gồm cả những thực phẩm thiết yếu, tốt cho sức khỏe như sữa và sản phẩm từ sữa. Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam – cho rằng việc xem đường là nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì là không đúng. Đồng thời, cần có sự quan tâm đến trẻ em thấp còi, đặc biệt là ở nông thôn, không chỉ đến trẻ em béo phì ở thành phố.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI – cho rằng đề xuất chính sách thuế này không phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch Covid-19. Ông cũng đặt câu hỏi về căn cứ mà Bộ Tài chính đưa ra để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA – kiến nghị chưa sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong giai đoạn 2023-2024 để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi sau đại dịch.

Ông Chris Vanloon – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng – cũng không tán thành đề xuất của Bộ Tài chính. Theo ông, hiện chỉ có khoảng 1/4 quốc gia trên thế giới đánh thuế đồ uống có đường, và Đan Mạch đã rút loại thuế này.

TS Nguyễn Quốc Việt – một chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – cũng cho rằng không nên thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn 2023-2024. Vì đây là giai đoạn cần phục hồi tăng trưởng, và sự điều chỉnh liên tục sẽ gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh.