VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá xăng giảm 780 đồng/lít

Giá xăng giảm 780 đồng/lít

16:02 - 21/03/2023

Giá xăng trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng khi giá dầu thế giới lao dốc mạnh trong tuần qua.

Chiều 21/3, Liên bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ, với mức giảm từ 780 đến 1.250 đồng tùy mặt hàng.

Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định giảm 780 đồng đối với mỗi lít xăng E5 RON 92 và xăng RON 95. Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ đối với xăng E5 RON 92 còn 22.020 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.030 đồng/lít.

Giá dầu còn giảm mạnh hơn, với dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít xuống 19.300 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít xuống 19.460 đồng/lít và dầu mazut giảm 800 đồng/kg xuống 14.470 đồng/kg.

Đây là lần giảm mạnh nhất của giá xăng dầu kể từ đầu năm. Trong năm nay, giá xăng đã có tổng cộng 5 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Giá xăng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.

Giá xăng dầu trong nước giảm sau khi giá dầu thô thế giới lao dốc trong tuần qua vì cuộc khủng hoảng ngân hàng. Các nhà giao dịch lo ngại rằng sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực ở Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sĩ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu năng lượng.

Kể từ ngày 10/3, giá dầu Brent (chuẩn quốc tế) đã giảm hơn 10% từ mức khoảng 83 USD/thũng xuống 74 USD/thùng. Giá dầu thế giới có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Tương tự, giá dầu WTI (chuẩn Mỹ) cũng giảm sâu xuống khoảng 68 USD/thùng.

Theo Bộ Công thương, giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân trong 10 ngày qua giảm từ 3,7 đến 9% tùy loại.

Với giá đầu vào giảm, cơ quan quản lý tiếp tục không sử dụng quỹ bình ổn và giữ nguyên mức trích lập vào quỹ với các mặt hàng, trừ dầu mazut tăng từ 0 lên 300 đồng/kg.

Mới đây, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức. Theo các doanh nghiệp, Thông tư 104 quy định chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Phần định mức này dành cho cả khâu bán buôn và bán lẻ, nhưng không quy định rõ ràng tỷ lệ phân chia giữa hai khâu. Các doanh nghiệp bán lẻ cho biết các doanh nghiệp đầu mối lợi dụng kẽ hở này để hưởng gần như toàn bộ phần chi phí và lợi nhuận định mức.

Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị liên bộ Tài chính – Công Thương thành lập hội đồng phân chia lại phần 1.350 tỷ đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Đây sẽ là căn cứ để phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.