VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»10 đại gia tộc ‘nhiều tiền lắm của’ nhất châu Á

10 đại gia tộc ‘nhiều tiền lắm của’ nhất châu Á

07:02 - 25/03/2023

Theo Bloomberg Billionaires Index, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng tài sản của các gia tộc Ấn Độ sụt giảm đã kéo tổng tài sản của các gia tộc giàu nhất châu Á cũng lao dốc theo.

Bốn năm trước, khi Bloomberg lần đầu tiên tổng hợp bảng xếp hạng 20 gia tộc giàu nhất châu Á, ba gia tộc Ấn Độ đã xuất hiện khi nắm giữ khối tài sản ròng có tổng giá trị 87,6 tỷ USD.

Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 5 gia tộc, kiểm soát khối tài sản ròng có tổng giá trị 168,7 tỷ USD và ngang bằng với các triều đại lâu đời của Hong Kong.

Năm nay, mức tăng trưởng nhanh chóng đó đã bị đảo ngược, khi chứng kiến tổng giá trị khối tài sản ròng của gia tộc Ambani và Mistry giảm 17,1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Gia tộc Ambani – Ấn Độ – 79,3 tỷ USD

Dẫn đầu top 10 gia tộc giàu có nhất châu Á là gia đình nhà Ambani của Ấn Độ với đế chế công nghiệp Reliance Industries trị giá 79,3 tỷ USD. Dhirubhai Ambani – cha của Mukesh và Anil thành lập công ty tiền thân của Reliance Industries năm 1957. Khi qua đời năm 2002, ông không để lại di chúc. Vì vậy, vợ ông đã phải giải quyết tranh chấp giữa hai người con về quyền kiểm soát tài sản gia đình. Mukesh hiện là người đứng đầu đế chế này. Ông sống trong một căn biệt thự 27 tầng, được mệnh danh là nhà riêng đắt đỏ nhất thế giới.

Gia tộc Hartono – Indonesia – 38,8 tỷ USD

Hai tỷ phú hàng đầu Indonesia là anh em nhà Hartono gồm R. Budi Hartono và Michael “Bambang” Hartono nhận được phần lớn tài sản từ khoản đầu tư vào ngân hàng Bank Central Asia (BCA). Gia đình Hartono đã mua lại cổ phần của BCA sau khi một gia đình giàu có khác là nhà Salim mất quyền kiểm soát ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và 1998.

Tuy nhiên, nguồn gốc tài sản của gia đình Hartono hiện nay lại bắt nguồn từ nhà sản xuất thuốc lá Djarum. Vào năm 1950, cha của hai tỷ phú Budi và Michael là ông Oei Wie Gwan đã mua lại một công ty thuốc lá phá sản và đổi tên thành Djarum. Hiện công ty này đang là một trong những nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất tại Indonesia, giúp gia đình này tích lũy được khối tài sản trị giá 38,8 tỷ USD. Con trai ông Budi là ông Victor, thuộc thế hệ thứ ba trong gia tộc kinh doanh Hartono, đang điều hành công ty này.

Gia tộc Kwok – Hong Kong – 34,8 tỷ USD

Năm 1972, người sáng lập “đế chế” bất động sản Sun Hung Kai Properties, ông Kwok Tak-seng, đã đưa công ty lên sàn chứng khoán. Từ đó đến nay, công ty này trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Kông và là nguồn tài sản chính của gia đình Kwok. Các con trai của ông, Walter, Thomas và Raymond, tiếp quản công ty sau khi ông qua dời vào năm 1990.

Tuy nhiên, ông Walter đã mất chức chủ tịch công ty vào năm 2008 sau một cuộc tranh chấp với các anh trai. Hiện ông Raymond giữ vị trí này. Năm 2018, con trai của ông Walter, Geoffrey, được bổ nhiệm làm giám đốc không điều hành của công ty.

Gia tộc Mistry – Ấn Độ – 28,4 tỷ USD

Năm 1865, gia đình Mistry bắt đầu bước chân vào kinh doanh bằng việc thành lập một công ty xây dựng. Đến nay, Shapoorji Pallonji Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác. Họ còn có cổ phần trong Tata Sons – công ty mẹ của Tata Group – tập đoàn hiện diện tại hơn 100 quốc gia với hơn 720.000 nhân viên. Tata Group hiện kiểm soát hãng xe Jaguar Land Rover.

Gia tộc Chearavanont – Thái Lan – 28,2 tỷ USD

Gia tộc Chearavanont đứng thứ 5 trong danh sách giàu nhất châu Á khi sở hữu tập đoàn Charoen Pokphand và khối tài sản 28,2 tỷ USD. Từ một cửa hàng hạt giống rau, 4 thế hệ gia đình Chearavanont đã cùng nhau phát triển Charoen Pokphand trở thành tập đoàn kinh doanh thực phẩm, bán lẻ và viễn thông.

Gia tộc Yoovidhya – Thái Lan – 27,4 tỷ USD

Năm 1956, ông Chaleo Yoovidhya thành lập công ty dược phẩm T.C. Pharmaceutical, sau đó mở rộng hoạt động sang bán lẻ hàng tiêu dùng. Tới năm 1975, ông phát minh ra một loại nước tăng lực có tên Krating Daeng, trong tiếng Thái có nghĩa là “Bò đỏ” (Red Bull). Sau khi một nhà tiếp thị người Áo có tên Dietrich Mateschitz phát hiện tiềm năng của đồ uống này trong một chuyến công tác ở châu Á, người này đã hợp tác với ông Chaleo để điều chỉnh công thức và tiếp thị Red Bull ra toàn cầu.

Hiện tài sản của cả gia đình Yoovidhya và Mateschitz phần lớn đến từ thành công của Red Bull. Ông Chaleo qua đời vào năm 2012, mở đường cho con trai Saravoot trở thành CEO TCP Group. Năm 2022, ông Mateschitz qua đời và người thừa kế của ông trở thành người trẻ giàu nhất châu Âu.

Gia tộc Cheng – Hong Kong – 25,9 tỷ USD

Gia đình Cheng hiện kiểm soát đế chế trang sức Chow Tai Fook thành lập năm 1929. Họ cũng sở hữu công ty bất động sản New World Development – một trong các hãng địa ốc lớn nhất Hong Kong.

Gia tộc Pao – Hong Kong – 22,6 tỷ USD

Tiếp theo trong danh sách là gia tộc Pao nổi tiếng với ngành kinh doanh vận tải và khối tài sản 22,6 tỷ USD. Năm 1955, doanh nhân Pao Yue-kong thành lập công ty vận tải World-Wide Shipping sau khi mua con tàu đầu tiên. Tới năm 1979, công ty nhà họ Pao đã trở thành công ty chở hàng lớn nhất thế giới khi sở hữu 200 con tàu. Sau đó, ông còn đầu tư vào hãng bất động sản Wheelock, tuy nhiên công ty này vừa mới rút niêm yết năm 2020.

Gia tộc Tsai – Đài Loan – 21,4 tỷ USD

Năm 1962, các anh em trai nhà Tsai thành lập công ty bảo hiểm Cathay Life Insurance. Tới năm 1979, gia đình này quyết định chia nhỏ công ty, trong đó ông Tsai Wan-lin và ông Tsai Wan-tsai lần lượt nắm giữ công ty bảo hiểm nhân thọ Cathay Life Insurance và công ty bảo hiểm Cathay Insurance. Cathay Insurance sau đó được đổi tên thành Fubon Insurance, còn Cathay Life Insurance thuộc công ty mẹ Cathay Financial. Gia đình này hiện nắm cổ phần tại hai công ty tài chính hàng đầu Đài Loan, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản và viễn thông.

Gia tộc Lee – Hàn Quốc – 18,5 tỷ USD

Nhà họ Lee là gia tộc đứng sau Samsung – đế chế kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc. Tập đoàn này ra đời vào năm 1938, khi đó là một công ty thương mại xuất khẩu rau, trái cây và cá, do Lee Byung-chull sáng lập. Năm 1969, ông Lee Byung-chull bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực điện tử với việc thành lập Samsung Electronics – hiện là nhà sản xuất điện thoại và chíp lớn nhất thế giới.

Sau khi Lee Byung-chull qua đời năm 1987, con trai thứ ba của ông – Lee Kun-hee tiếp quản cơ nghiệp của gia đình, đưa Samsung trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Tháng 10/2020, ông Lee Kun-hee qua đời sau nhiều năm nằm viện vì bệnh tim, để lại tập đoàn cho con trai Lee Jae-yong.