VNReport»Kinh tế»Tài chính»Cổ phiếu VPB tăng mạnh, một Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua vào 350.000 đơn vị

Cổ phiếu VPB tăng mạnh, một Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua vào 350.000 đơn vị

11:29 - 27/03/2023

Cổ phiếu VPB của VPBank tăng mạnh trong 2 tuần gần đây nhờ thông tin ngân hàng này sắp bán 15% cổ phần cho tập đoàn Sumitomo Mitsui của Nhật Bản với giá 32.000-33.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), ông Nguyễn Thanh Bình – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – đăng ký mua vào 350.000 cổ phiếu VPB nhằm phục vụ nhu cầu tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 27/3 đến ngày 25/4.

Thời điểm dự kiến thực hiện giao dịch này đến sau khi cổ phiếu VPB có 2 tuần “thăng hoa” nhờ thông tin về việc VPBank bán cổ phần cho một tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản.

Nếu mua thành công, ông Bình sẽ nâng lượng cổ phiếu VPB nắm giữ từ 572.364 lên 922.364 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,01368%. Chốt phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu VPB có mức giá 21.150 đồng. Ở mức giá này, ông Bình sẽ phải bỏ ra khoảng 7,4 tỷ đồng để mua số cổ phiếu đã đăng ký.

Thị giá của VPB tăng 15,6% trong 2 tuần qua.

Thị giá của VPB tăng 15,6% trong 2 tuần qua.

Trước đó, ngày 11/3, tờ Bloomberg đưa tin rằng VPBank đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho một đơn vị thuộc Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản. Con số này tương đương 15% cổ phần của ngân hàng, với giá khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 32.000-33.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá chào mua trên cao hơn nhiều so với thị giá của VPB khi đó là 18.300 đồng. Vì vậy, thông tin này giúp thị giá của cổ phiếu VPBank tăng vọt, đạt mức 21.150 đồng vào cuối phiên 24/3, tăng 15,6% chỉ trong 2 tuần giao dịch. Thị giá của cổ phiếu VPB tiếp tục tăng thêm 1,42% trong buổi sáng hôm nay, lên mức 21.450 đồng.

Mức tăng trong 2 tuần qua giúp giá trị tài sản của ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch VPBank và người giàu thứ 7 trên thị trường chứng khoán Việt Nam – tăng hơn 900 tỷ đồng trong 2 tuần. Vợ và mẹ của ông Dũng – nắm số cổ phiếu gần tương đương với ông – cũng kiếm được hơn 900 tỷ đồng mỗi người nhờ thị giá VPB tăng mạnh.

VPBank đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022, với lãi hợp nhất trước thuế hơn 21.200 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với năm trước và lọt vào top 5 ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất. Động lực tăng trưởng của ngân hàng chủ yếu đến từ những tháng đầu năm, đặc biệt là với một khoản lãi đột biến trong quý I nhờ thỏa thuận bancassurance độc quyền.

Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VPBank đạt 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 23,4% lên 438.338 tỷ đồng.

VPBank nằm trong nhóm ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng mạnh nhất trong năm qua, với tốc độ tăng trưởng 25,4%, số dư đạt 303.151 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ khối khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. Cơ cấu tiền gửi có xu hướng chuyển dịch sang loại tiền gửi có kỳ hạn do lãi suất tăng cao. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VPBank giảm từ 22,4% xuống còn 17,7% trong năm.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ tăng nhẹ từ 1,98% cuối năm 2021 lên 2,19% cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất (bao gồm công ty tài chính) là 4,73%.