VNReport»Kinh tế»Tài chính»3 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

3 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

07:00 - 29/03/2023

Trong 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót gần 3,1 tỷ USD vào Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 17,2%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 21,1%) và GVMCP (chiếm 30,5%). Trong khi đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư.

  1. Trung Quốc

Trung Quốc liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Tính đến 20/2/2023, số vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 23,67 tỷ USD với tổng 3.617 dự án. Với số vốn này, Trung Quốc xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Chỉ tính riêng tháng 2/2023, Trung Quốc xếp thứ 4 trong các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, sau Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Hà Lan. Tổng số vốn đầu tư từ Trung Quốc đạt khoảng 341,67 triệu USD với 45 dự án cấp mới.

Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào nhiều lĩnh vực, điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản,…

  1. Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất củaViệt Nam. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã rót vào Việt Nam gần 420 triệu USD với 26 dự án cấp mới.

Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung rót vốn nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực xây dựng; còn lại là những ngành khác. Trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm hơn 70% (hơn 57 tỷ USD) tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.

Cùng với đó, Hàn Quốc hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Một số tỉnh, thành mà Hàn Quốc đã rót vốn đầu tư lớn là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên và TP. HCM.

Về quy mô dự án, trước đây, các dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, Hàn Quốc đã đầu tư hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn. Điển hình như các dự án của Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, đầu tư của tập đoàn LG tại Hải Phòng,…

Trong những năm gần đây, đầu tư của Hàn Quốc còn mở rộng sang lĩnh vực phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp,… với sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính như Shinhan, KB, Woori,…).

Tính đến hết năm 2022, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 370 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

  1. Singapore

Singapore là một trong 4 quốc gia ASEAN đi tiên phong trong việc thăm dò thị trường đầu tư Việt Nam từ những năm 1990.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2022.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam mới tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, thứ hai là kinh doanh bất động sản và thứ 3 là lĩnh vực sản xuất điện.

Trước đó, trong năm 2022, Singapore cũng dẫn đầu về vốn đầu tư FDI khi chiếm đến gần 35% tổng vốn đầu tư. Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021.