VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Giá nhà toàn cầu tăng mạnh, gây lo ngại về rủi ro tài chính

Giá nhà toàn cầu tăng mạnh, gây lo ngại về rủi ro tài chính

11:04 - 10/05/2021

Giữa đại dịch, giá nhà trên toàn thế giới tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ nguồn vốn dồi dào từ các ngân hàng và các gói hỗ trợ của chính phủ.

Năm đại dịch vừa qua chứng kiến mức tăng giá nhà toàn cầu mạnh nhất từ đợt bùng nổ giá nhà Mỹ giữa những năm 2000, theo Wall Street Journal.

Một tòa nhà chung cư ở Quý Dương, Trung Quốc

Một tòa nhà chung cư ở Quý Dương, Trung Quốc

Ban đầu, giá nhà tăng góp phần hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cơn sốt giá kéo dài sẽ kéo theo những vấn đề nghiêm trọng về tài chính.

Thống kê từ Ngân hàng Dự trữ Trung ương Dallas cho thấy giá nhà đã tăng 4,91% tại 16 nền kinh tế trong năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 2006. Đây là mức tăng trưởng cực kỳ nóng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm 3,3%.

Cơn sốt giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thị trường bất động sản Mỹ đang thiếu hụt hàng triệu căn nhà để đáp ứng nhu cầu của người mua. Trong khi đó, giá nhà tăng chóng mặt ở khu vực đồng euro, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Canada.

Tỷ lệ tăng giá nhà quốc tế theo năm. Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas (Mỹ)

Tỷ lệ tăng giá nhà quốc tế theo năm. Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas (Mỹ)

Cơn sốt giá nhà phản ánh một khác biệt lớn giữa đợt phục hồi từ khủng hoàng tài chính năm 2008 và đợt tăng lần này. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ khu vực ngân hàng mỏng manh, thiếu vốn. Sau khủng hoảng, các ngân hàng toàn cầu đã phản ứng bằng cách cho vay thận trọng hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm ngoái, các ngân hàng không hề thiếu vốn. Với sự hỗ trợ của chính phủ, họ đã nhanh chóng giảm lãi suất cho người vay.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường bất động sản. Tại 18 nền kinh tế phát triển, dư nợ cho vay thế chấp tăng từ 1/3 tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trong năm 1960 lên gần 60%. Cuộc khủng hoảng tài chính dường như chỉ là một cú giảm tốc ngắn trong xu hướng dài hạn này.

Tỷ lệ vay thế chấp trên tổng dư nợ cho vay ngân hàng. Nguồn: Macrohistory.net

Tỷ lệ vay thế chấp trên tổng dư nợ cho vay ngân hàng. Nguồn: Macrohistory.net

Kinh nghiệm của các quốc gia không xảy ra khủng hoảng ngân hàng vào năm 2008 cho thấy điều có thể xảy ra trên quy mô toàn thế giới. Hầu hết các quốc gia có dư nợ hộ gia đình tăng cao trong thập kỷ qua – Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Canada và Thụy Điển – là những nơi mà các ngân hàng không bị ảnh hưởng trong năm 2008. Thay vì chỉ tăng nhất thời, dư nợ hộ gia đình liên tục tăng trong thập kỷ sau đó.

Một số quốc gia đã tìm cách ngăn chặn đà tăng mạnh của giá nhà. Gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua hàng chục quy định mới về thuế và cho vay nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Ngân sách liên bang mới nhất của Canada bao gồm thuế đánh vào tài sản người nước ngoài nắm giữ bị bỏ trống hoặc không được sử dụng. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Đầu năm nay, Stefan Ingves – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển – đã so sánh vấn đề nợ hộ gia đình như ngồi ở miệng núi lửa. Các nhà kinh tế Atif Mian, Amir Sufi và Emil Verner đã công bố nghiên cứu cho thấy khoản nợ hộ gia đình quá lớn có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Không hẳn là các nhà chức trách không thể làm được gì. Đã có một số trường hợp thành công trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự bùng nổ giá nhà.

Rõ ràng nhất là trường hợp của Nhật Bản. Việc nước này không có các hạn chế về phân vùng (zoning) và các chính sách kiểm soát tiền thuê nhà thường được cho là giúp giá nhà nước này ổn định, đặc biệt là ở Tokyo, nơi dân số vẫn đang tăng lên. Tuy nhiên, việc so sánh một cách công bằng với các nước khác là rất khó vì lãi suất tại đây thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới trong thời gian dài, và tăng trưởng kinh tế nói chung yếu.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế Nhà ở năm 2018, những nỗ lực hạ nhiệt giá nhà từ năm 2009 đến 2013 của Singapore dường như cũng đã giúp kìm hãm đà tăng giá nhà của nước này. Các biện pháp bao gồm đánh thuế cao hơn đối với việc mua đi bán lại nhà, yêu cầu đặt cọc cao hơn đối với người mua lần thứ hai, kéo dài thời hạn cho vay mua nhà ở và giới hạn phần thu nhập có thể dùng để trả nợ mua nhà. Nhưng Singapore cũng là một ví dụ cho thấy việc kìm hãm giá nhà khó thế nào. Giá nhà tại nước này đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới trong quý đầu tiên năm nay. Và thị trường của Singapore khác với hầu hết các nước: phần lớn nhà ở của nước này do chính phủ xây và tỷ lệ sở hữu nhà ở đây thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể đánh thuế trực tiếp lên giá trị nhà đất. Nhưng các gợi ý này vẫn chưa trở thành chính sách công ở hầu hết các nơi trên thế giới. Ngay cả khi không có những bước đi triệt để như vậy, việc khắc phục cách tính thuế ưu đãi với bất động sản trên toàn thế giới cũng là một khởi đầu tốt.

Đối phó với một tài sản là biểu tượng của sự ổn định tài chính với tầng lớp trung lưu và nguồn tài sản chính của hộ gia đình nhưng cũng là một rủi ro lớn về ổn định tài chính vĩ mô là một nhiệm vụ “khó nhằn” đối với các nhà hoạch định chính sách.

Nhưng với nhiều nơi trên thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ giá nhà mới, đây là một vấn đề phải được xem xét cấp bách nếu họ muốn tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

1 bình luận
    Bình luận của bạn