VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Tăng trưởng GDP quý I thấp do xuất khẩu giảm sút

Tăng trưởng GDP quý I thấp do xuất khẩu giảm sút

14:59 - 29/03/2023

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam so với cùng kỳ chậm lại về mức 3,32% trong quý I/2023, sau khi tăng 5,92% trong quý IV/2022, Tổng cục Thống kê cho biết vào thứ Tư. Nền kinh tế giảm tốc trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút vì nhu cầu thế giới thấp. Đồng thời, thị trường bất động sản khó khăn khiến lĩnh vực xây dựng sa sút.

Mức tăng trưởng trong quý I thấp hơn dự báo trung bình 4,8% theo một cuộc khảo sát của Bloomberg. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng trong quý đầu năm thấp thứ hai kể từ năm 2011.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,17 tỷ USD, phản ánh sự suy giảm sâu của nhu cầu thế giới do lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và bất ổn kinh tế.

“Kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn”, Tổng cục Thống kê cho hay.

Kim ngạch xuất khẩu điện thoại – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước – giảm 15% so với cùng kỳ xuống còn 13 tỷ USD trong quý I. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu hàng điện tử giảm 10,9%.

Vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn vì nhu cầu hàng hóa giảm trên toàn cầu do các nền kinh tế lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, theo Bloomberg. Các cường quốc xuất khẩu châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan cũng gặp khó khăn tương tự.

“Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới và nhu cầu bên ngoài yếu đang gây thiệt hại cho nền kinh tế”, Capital Economics cho biết. Ngoài ra, công ty nghiên cứu này cũng nhắc đến lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề do điều kiện tín dụng bị thắt chặt.

“Không chỉ sản xuất, chúng ta cũng có sự yếu kém trong xây dựng do hậu quả của việc thắt chặt ngành bất động sản”, theo Trinh Nguyễn – một nhà kinh tế ở Natixis Sa. “Hơn nữa, định hướng chính sách thiếu rõ ràng cũng đang đè nặng lên đầu tư trong nước”.

Trong 3 khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% vì nhu cầu xuất khẩu yếu và thị trường bất động sản trì trệ. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2%. Khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp gần như toàn bộ mức tăng trưởng kinh tế của quý I, với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 13,9%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,52% trong 3 tháng đầu năm.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 mà Quốc hội đặt ra là 6,5%, sau khi Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 25 năm – 8,02% – vào năm ngoái.

Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm một số lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất tái chiếu khẩu giảm 1 điểm phần trăm từ 4,5% xuống 3,5% và một số lãi suất điều hành khác giảm 0,5 hoặc 1 điểm phần trăm. Động thái này đảo ngược một phần 2 lần tăng lãi suất vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, cũng như đi ngược với hành động tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Ở Việt Nam, lạm phát chậm lại trong 2 tháng gần đây, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2 – mức thấp nhất trong 8 tháng, theo Tổng cục Thống kê. Giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4,5% trong năm nay.

Capital Economics dự đoán hoạt động kinh tế “sẽ vẫn yếu trong năm nay do bối cảnh nhu cầu bên ngoài đầy thách thức và tác động trễ của việc thắt chặt tiền tệ”. Trong tháng này, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 6,3%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.