VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Lợi nhuận các công ty xây dựng giảm mạnh do giá vật liệu tăng

Lợi nhuận các công ty xây dựng giảm mạnh do giá vật liệu tăng

15:06 - 11/05/2021

Lợi nhuận của các công ty xây dựng như Coteccons, Hòa Bình, Hưng Thịnh Incons giảm mạnh trong quý 1/2021.

Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh. Đặc biệt, giá thép tiếp tục tăng nhanh trong quý 1/2021, trước lo ngại khan hiếm nguồn cung, trong bối cảnh nhu cầu thế giới tăng cao phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế sau COVID-19. Trong 10 năm qua, các nước phát triển không vận hành lò cao để sản xuất thép. Trung Quốc cũng đang cắt giảm sản lượng thép để bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh "bào mòn" lợi nhuận của các nhà thầu

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh “bào mòn” lợi nhuận của các nhà thầu

Đối với thép, nguyên liệu chiếm 20% đầu vào, việc giá bán trong nước tăng khoảng 40% so với cuối năm 2020 đang gây áp lực lớn lên các nhà thầu.

Không chỉ thép, giá cả hàng hóa nói chung đều tăng do những bấp bênh vì dịch bệnh. Giá xi măng, với cấu thành từ than, điện, xăng dầu, thạch cao, phụ gia… cũng tăng chóng mặt. Từ giữa tháng 4, nhiều nhà sản xuất xi măng đã điều chỉnh giá bán sản phẩm với mức tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/tấn.

Mặt khác, một số vật liệu chính khác như cát, sỏi… cũng đang tăng giá mạnh trong bối cảnh khai thác khó khăn.

Trước sức ép từ dịch COVID-19 và sự tăng giá nguyên vật liệu, hàng loạt nhà thầu đã quyết định tạm giãn tiến độ thi công để chờ bình ổn thị trường. Theo ý kiến ​​từ một nhà thầu, giá thép và một số vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao khiến họ không kịp trở tay, gặp rất nhiều khó khăn.

Giá hợp đồng tương lai thép giao ở Thượng Hải trong năm 2021. Đơn vị: nhân dân tệ/tấn

Giá hợp đồng tương lai thép giao ở Thượng Hải trong năm 2021. Đơn vị: nhân dân tệ/tấn

Hiện các bên đang nỗ lực đàm phán, thương lượng với chủ đầu tư đối với các công trình đã ký để điều chỉnh giá. Còn đối với các hợp đồng mới, nhà thầu phải tăng giá thầu theo giá vật liệu.

Hầu hết các “đại gia” đầu ngành xây dựng đều đồng loạt báo lãi giảm trong quý 1/2021. Chỉ có Licogi16 là tăng trưởng mạnh, chủ yếu nhờ mảng bất động sản.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) có doanh thu giảm mạnh từ 3.547 tỷ đồng trong quý 1/2020 xuống 2.563 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh thu trong kỳ giảm chủ yếu từ mảng xây dựng, giảm gần 28% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của tác động của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020, nhiều dự án bất động sản vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19.

Trừ đi giá vốn hàng bán, lãi gộp thu về 120 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với quý 1/2020. Tỷ suất lợi nhuận gộp tương đương 4,67%, thấp hơn đáng kể so với mức 5,46% cùng kỳ.

Sau khi trừ chi phí quản lý, lợi nhuận trước thuế Coteccons giảm 55% xuống mức đáy 69 tỷ đồng. Dù là doanh nghiệp đứng đầu ngành, Coteccons lại ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất so với các doanh nghiệp khác. Trên thị trường, giá cổ phiếu CTD cũng liên tục giảm. Cổ phiếu này được giao dịch ở mức 58.000 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 10/5, giảm hơn 27% kể từ đầu năm.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng suy giảm doanh thu hơn 7% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm chi phí, HBC đạt lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng, giảm 37%. Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ 7,7% (Q1/2020) lên 8,7% (Q1/2021).

Năm 2021, để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn cũng như dài hạn, ngoài thế mạnh xây dựng bất động sản dân dụng, HBC sẽ đẩy mạnh nhận thầu các dự án năng lượng, công nghiệp, hạ tầng… nhằm gia tăng thị phần trong bối cảnh dòng vốn luân chuyển mạnh và các chính sách đầu tư công mở rộng.

Ricons, công ty được tách ra khỏi Coteccons và tuyên bố độc lập từ đầu năm 2020, có lợi nhuận trước thuế quý đầu năm giảm 28% xuống còn 31 tỷ đồng. Mới đây Ricons đã bổ nhiệm ông Võ Thanh Liêm làm Phó Tổng Giám đốc, quyết định có hiệu lực từ ngày 29/3. Chưa đầy 1 tháng sau khi từ nhiệm Quyền Tổng giám đốc tại Coteecons, ông Liêm đã nhận nhiệm vụ mới tại Ricons.

Hưng Thịnh Incons (HTN) là nhà thầu duy nhất tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của HTN giảm mạnh chỉ còn 103 tỷ, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng giảm từ 22,1% (quý 1/2020) xuống 8,9%. Lợi nhuận trước thuế của HTN giảm 58% xuống 48 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 94 tỷ đồng xuống 38 tỷ đồng.

Theo Hưng Thịnh, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do phần lớn doanh thu và lợi nhuận ghi nhận từ hoạt động xây lắp. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty con Bình Triệu thấp hơn so với kỳ trước.

Dự báo về đà tăng nóng của nhóm vật liệu xây dựng, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong báo cáo mới cho thấy, giá thép có thể tiếp tục tăng cho đến cuối hết quý 3/2021.

Về phía mình, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có thông tin phản hồi về nguy cơ nhà thầu xây dựng cả nước có thể phá sản do giá thép tăng đột biến. VACC cũng kiến ​​nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét kỹ nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.

Đồng thời, với các dự án đầu tư công, bằng vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh thiệt hại không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng.

Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, hiện các nhà thầu thi công đang gặp khó mà không có cách tháo gỡ do phần lớn các chủ đầu tư ngoài quốc doanh đang sử dụng các hợp đồng theo đơn giá cố định và không điều chỉnh sau thời điểm ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, các nhà thầu phải tự giải quyết phần thiếu hụt này, còn đối với các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách thì phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của Sở Xây dựng. Trong khi đó, các thông báo này không cập nhật kịp thời diễn biến giá cả.

1 bình luận
    Bình luận của bạn