VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»10 nước nhập khẩu nhiều gạo nhất từ Việt Nam

10 nước nhập khẩu nhiều gạo nhất từ Việt Nam

13:12 - 10/04/2023

Philippines chiếm gần một nửa tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường lớn khác bao gồm Trung Quốc, một số nước ở châu Phi và Đông Nam Á.

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu thế giới lên cao vì giá các loại lương thực khác như lúa mì và ngô tăng vọt sau chiến tranh Nga-Ukraine. Đồng thời, một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Theo Tổng cục Hải quan, năm ngoái, nước ta xuất khẩu 7,106 triệu tấn gạo với trị giá 3.455 tỷ USD, lần lượt tăng 13,8% và 5,1% so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân là 486 USD/tấn.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, chiếm 45% tổng khối lượng xuất khẩu. Các thị trường lớn khác bao gồm Trung Quốc, một số nước châu Phi và Đông Nam Á.

  1. Philippines (3,214 triệu tấn)

Trong nhiều năm qua, Philippines luôn là thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam. Năm 2022, nước này nhập khẩu 3,214 triệu tấn gạo từ Việt Nam, tương đương giá trị 1,491 tỷ USD, lần lượt chiếm 45% theo khối lượng và 43% theo giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

Theo báo chí Philippines, nước này ưa chuộng gạo Việt Nam vì phù hợp với thị hiếu của người dân và giá cả phải chăng. Ngoài ra, Việt Nam có nguồn cung gạo ổn định và chi phí vận chuyển thấp do khoảng cách địa lý gần giữa hai quốc gia.

  1. Trung Quốc (851 nghìn tấn)

Mặc dù là nước sản xuất gạo nhiều nhất thế giới, với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Một trong những nguồn nhập khẩu lớn của nước này là Việt Nam. Năm 2022, nước ta xuất sang Trung Quốc gần 851 nghìn tấn gạo, trị giá hơn 432 triệu USD, lần lượt chiếm 12% khối lượng và 12,5% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

  1. Bờ Biển Ngà (656 nghìn tấn)

Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2022, quốc gia ở Tây Phi nhập khẩu hơn 656 nghìn tấn gạo từ Việt Nam, trị giá gần 295 triệu USD, chiếm 9% theo khối lượng cũng như giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

84% tổng kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà là gạo. Khoảng 30-40% tổng trị giá nhập khẩu gạo của Bờ Biển Ngà đến từ Việt Nam.

  1. Ghana (442 nghìn tấn)

Một quốc gia khác ở Tây Phi, Ghana, cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Năm ngoái, nước này nhập khẩu 442 nghìn tấn gạo từ nước ta, trị giá hơn 230 tỷ USD, tương đương 6% khối lượng và 7% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Cũng giống như Bờ Biển Ngà, gạo chiếm hầu hết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ghana.

  1. Malaysia (438 nghìn tấn)

Năm 2022, Malaysia nhập khẩu hơn 438 nghìn tấn gạo từ Việt Nam, tương đương gần 199 triệu USD. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của gạo Việt Nam ở Đông Nam Á sau Philippines. Gạo nhập khẩu từ Việt Nam bằng khoảng 1/4 tổng lượng gạo nhập khẩu của Malaysia.

Gạo chỉ chiếm chưa đến 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta vào Malaysia. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và thép.

  1. Indonesia (119 nghìn tấn)

Indonesia – một quốc gia Đông Nam Á khác – cũng nhập khẩu 119 nghìn tấn gạo từ Việt Nam trong năm 2022, trị giá gần 59 triệu USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của gạo Việt Nam.

Mặc dù có sản lượng gạo lớn thứ 3 thế giới, Indonesia vẫn là nước nhập khẩu ròng gạo trong những năm gần đây. Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất vào nước này.

  1. Singapore (101 nghìn tấn)

Singapore chủ yếu nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa và tái xuất khẩu. 3 thị trường nguồn lớn nhất của nước này là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam – cũng là 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Năm 2022, Việt Nam xuất sang Singapore 101 nghìn tấn gạo, tương đương 54,9 triệu USD. Đây chỉ là con số nhỏ trong tổng kim ngạch hàng hóa nước ta xuất sang Singapore: hơn 4,3 tỷ USD.

  1. Hong Kong (72 nghìn tấn)

Hong Kong nhập khẩu gần 72 nghìn tấn gạo từ Việt Nam trong năm 2022, trị giá gần 41 triệu USD. Người dân Hong Kong ưa thích mặt hàng gạo lài thơm, chủ yếu do Thái Lan và Việt Nam sản xuất.

Hong Kong là một trong 5 thị trường nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất từ Việt Nam, đạt kim ngạch gần 11 tỷ USD trong năm ngoái. Hơn một nửa trong số này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

  1. Mozambique (53 nghìn tấn)

Mozambique là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều thứ 3 ở châu Phi, mua hơn 53 nghìn tấn gạo của nước ta trong năm 2022, tương đương giá trị hơn 28 triệu USD.

Ngoài gạo, Việt Nam cũng xuất khẩu phân bón, máy móc thiết bị, dây điện, thép … sang quốc gia ở Đông Phi này.

  1. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (46 nghìn tấn)

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất ở Trung Đông. Năm ngoái, nước này mua hơn 46 nghìn tấn gạo của Việt Nam, tương đương gần 28,5 triệu USD.

Khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu gạo của UAE là từ Việt Nam, trong khi Ấn Độ chiếm hơn 60%.