VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tân Hiệp Phát kinh doanh thế nào trước khi các lãnh đạo bị bắt?

Tân Hiệp Phát kinh doanh thế nào trước khi các lãnh đạo bị bắt?

09:45 - 11/04/2023

Tân Hiệp Phát là một trong ba công ty sản xuất nước giải khát lớn nhất Việt Nam tính theo doanh thu, cùng với Suntory PepsiCo và Coca-Cola, và là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất.

Ba lãnh đạo của Tân Hiệp Phát – một trong những công ty sản xuất nước giải khát lớn nhất Việt Nam – vừa bị bắt giữ vì một loạt cáo buộc vi phạm liên quan đến bất động sản.

Chiều ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành lệnh bắt tạm giam với ông Thanh và bà Phương.

Ông Thanh là nhà sáng lập, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát, trong khi bà Phương và bà Bích – hai con gái của ông – là các phó tổng giám đốc công ty. Ba bị can, cùng một số cá nhân khác, bị cáo buộc đã thực hiện các hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “trốn thuế”, “cưỡng đoạt tài sản” là những dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và TP HCM từ tháng 11/2020.

Tân Hiệp Phát được coi là một trong những đại gia của ngành sản xuất nước giải khát trong nước. Dù chỉ là công ty gia đình nhưng Tân Hiệp Phát đạt lợi nhuận sau thuế gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn cả các công ty sản xuất Pepsi và Coca-Cola.

Các sản phẩm của công ty bao gồm nước tăng lực Number 1, trà thanh nhiệt Dr. Thanh, trà xanh Không Độ, nước đóng chai Number 1, sữa đậu nành Soya Number 1, nước uống vận động Active chanh muối, Number 1 Chanh, Number 1 Dâu và trà sữa Macchiato Không Độ. Nước tăng lực Number 1 là sản phẩm thành công đầu tiên của Tân Hiệp Phát, được giới thiệu vào năm 2001, 7 năm sau khi công ty lần đầu tham gia ngành nước giải khát.

Sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã hình thành rõ nét nhóm 5 doanh nghiệp lớn gồm 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Suntory PepsiCo, Coca-Cola, URC, cùng với 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.

Với cơ cấu đồ uống đa dạng từ nước ngọt có ga, trà xanh, nước tăng lực, nước tinh khiết … Suntory PepsiCo đang có doanh thu vượt trội, đạt khoảng 17.000-18.000 nghìn tỷ đồng – theo số liệu mới nhất trong năm 2020. Trong khi đó, doanh thu của Tân Hiệp Phát và Coca-Cola đều đạt khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu của các đại gia này đều giảm do ảnh hưởng của dịch Covid.

Trước đó, trong giai đoạn 2014-2017, do ảnh hưởng của vụ bê bối liên quan đến một chai Number 1 có ruồi, doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát chững lại quanh mốc 7.000 tỷ đồng/năm dù nhà máy Number 1 Hà Nam mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2018 và duy trì trong năm 2019 khi có thêm nhà máy Number 1 Chu Lai, đóng góp gần 1.400 tỷ đồng doanh thu.

URC Việt Nam – công ty con của tập đoàn đến từ Philippines – và Masan đứng sau 3 công ty trên với doanh thu khoảng 4.000-6.000 tỷ đồng trong năm 2022. Các doanh nghiệp đồ uống khác nhìn chung có quy mô nhỏ hơn nhiều như La Vie 3.000 tỷ, Kirin Interfood 1.600 tỷ, Red Bull 1.000 tỷ …

Nước tăng lực Number 1 là sản phẩm thành công đầu tiên của Tân Hiệp Phát.

Nước tăng lực Number 1 là sản phẩm thành công đầu tiên của Tân Hiệp Phát.

Mặc dù có doanh thu chưa đến một nửa của Suntory PepsiCo, Tân Hiệp Phát lại có lợi nhuận cao nhất thị trường. Năm 2020, nhà sản xuất nước tăng lực Number 1 lãi sau thuế hơn 2.600 tỷ đồng, Suntory PepsiCo lãi 2.400 tỷ đồng và Coca-Cola lãi 839 tỷ đồng. Năm trước đó, lãi sau thuế của Tân Hiệp Phát chỉ kém 200 tỷ đồng so với tổng lãi sau thuế của Suntory PepsiCo và Coca-Cola.

Tân Hiệp Phát đạt lợi nhuận cao nhờ biên lợi nhuận vượt trội so với các đối thủ. Cứ 100 đồng doanh thu thì công ty thu về 33 đồng lợi nhuận, so với Pepsi là 14 đồng hay Coca-Cola 10 đồng.

Trong 5 năm 2016-2020, Tân Hiệp Phát lãi sau thuế gần 10.000 tỷ đồng. Khác với nhiều doanh nghiệp giữ lại phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư, gần như toàn bộ lợi nhuận được chia lại ngay cho gia đình ông Thanh. Khoản lợi nhuận khổng lồ này có thể là nguồn gốc cho khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng của ông Thanh và những người liên quan trong vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.

Năm 2019, gia đình ông Thanh thành lập hàng loạt các công ty bất động sản, có tổng vốn điều lệ đăng ký 19.000 tỷ đồng. Mặc dù những công ty này sau đó nhanh chóng bị giải thể, ông Thanh và gia đình được cho là đã âm thâm mua một số bất động sản có vị trí đắc địa. Năm 2022, bà Phương cũng chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Tập đoàn Yeah1. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ tận dụng hệ thống quảng cáo của Yeah1 để thúc đẩy doanh số cho Tân Hiệp Phát. Sau khi kế hoạch đó đổ vỡ, bà Phương đã cắt lỗ khỏi Yeah1.