VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít, lên cao nhất 7 tháng

Giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít, lên cao nhất 7 tháng

16:11 - 11/04/2023

Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.090 đồng lên 23.170 đồng, xăng RON 95 tăng 1.120 đồng lên 24.240 đồng/lít, cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh kể từ 15h ngày 11/4, trong bối cảnh giá thành phẩm xăng dầu thế giới đi lên theo đà tăng từ cuối tháng 3 của giá dầu thô.

Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng giá 1.090 đồng, trong khi xăng RON 95 là 1.120 đồng. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ đối với xăng E5 RON 92 là 23.170 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.240 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh cao hơn trong kỳ điều hành này nhưng mức tăng thấp hơn giá xăng. Giá dầu diesel tăng 710 đồng lên 20.140 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 700 đồng lên 19.730 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 720 đồng 15.190 đồng/kg.

Đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của giá xăng và lần tăng thứ 7 từ đầu năm nay, cùng với 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Mức giá mới của xăng RON 95 là cao nhất kể từ trước ngày 5/9 và xăng E5 RON 92 cao nhất kể từ trước ngày 12/9.

Ngoại trừ dầu mazut được chi 300 đồng/kg, cơ quan điều hành tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng dầu trong kỳ này. Đồng thời, giảm mức trích lập đối với xăng E5 RON 92 về 150 đồng/lít và dầu mazut về 0 đồng/kg. Mức trích lập đối với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa vẫn giữ ở mức 300 đồng/lít như kỳ trước.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tiếp tục phản ánh tình trạng lỗ nặng vì mức chiết khấu thấp, thậm chí bằng không. Thực tế, tình trạng này thường xảy ra khi giá xăng được dự báo tăng trong kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Một số doanh nghiệp cho biết đã tiếp tục có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan chức năng đề nghị xem xét, điều chỉnh những bất cập hiện nay tại Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng về việc rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định hàng tháng phải thống kê, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu. Thay vào đó, cơ quan này đề xuất quay lại quy định điều chỉnh 6 tháng một lần như trước đây do chi phí kinh doanh xăng dầu có biến động lên xuống nhưng biên độ thấp và không bất thường.

Trên thế giới, giá xăng dầu thành phẩm tăng mạnh 4,8-8,3% trong 10 ngày qua sau khi giá dầu thô tăng mạnh vì động thái giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng dầu/ngày của nhóm OPEC+, theo liên Bộ.

Cụ thể, giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) bình quân tăng 8,3% lên 101,64 USD/thùng. Xăng RON 95 tăng 6,5% lên 104,67 USD/thùng. Dầu diesel tăng 4,8% lên 101,5 USD/thùng, dầu hỏa lên 99,36 USD/thùng. Dầu mazut tăng nhiều nhất, ở mức 13,2% lên 464,08 USD/tấn.

Đầu tuần trước, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, công bố cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện từ tháng 5 đến cuối năm nay. Động thái này rút khoảng 1,15 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường và được dẫn đầu bởi Ả Rập Xê Út. Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết trong một tuyên bố rằng việc cắt giảm sản lượng “là một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”.

Sau thông tin này, giá dầu Brent (chuẩn quốc tế) tăng vọt từ khoảng 80 USD/thùng lên 85 USD/thùng, và hiện vẫn giao dịch quanh mức đó. Hồi giữa tháng 3, giá dầu có thời điểm rơi xuống gần 70 USD/thùng – mức thấp nhất trong 15 tháng – do khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Trong tuần này, thị trường năng lượng thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi các báo cáo từ OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).