VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Lạm phát thấp cho thấy quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc trắc trở

Lạm phát thấp cho thấy quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc trắc trở

12:16 - 12/04/2023

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc thấp nhất trong 18 tháng, trong khi giá sản xuất giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong 18 tháng và giá sản xuất giảm nhanh hơn trong tháng 3 do nhu cầu vẫn yếu, cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế nước này đang gặp trắc trở.

Trái ngược với giá cả tăng vọt trên toàn cầu, lạm phát sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc đang ở mức yếu khi các ngành công nghiệp và tiêu dùng phục hồi khó khăn sau đại dịch. Các nhà phân tích hiện cho rằng lạm phát tiêu dùng có thể không đạt mục tiêu chính thức của Bắc Kinh trong năm nay.

Lạm phát thấp cho thấy nhu cầu yếu trong nền kinh tế Trung Quốc.

Lạm phát thấp cho thấy nhu cầu yếu trong nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9/2021 và yếu hơn mức tăng 1,0% trong tháng 2, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết ngày 11/4. Kết quả đó kém hơn mức tăng kỳ vọng 1,0% trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Zhou Hao – nhà kinh tế tại Guotai Junan International – cho biết: “Báo cáo lạm phát tháng 3 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình thiếu phát, cho thấy dư địa lớn hơn cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu”.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 6/2020 và cao hơn mức giảm 1,4% trong tháng 2. PPI đã giảm trong 6 tháng liên tiếp.

Sau khi dữ liệu được công bố, đồng nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần so với đồng USD, khi giới đầu tư tăng cường đặt cược Trung Quốc sẽ giảm lãi suất.

Lạm phát giá lương thực – một thành phần chính của CPI – giảm xuống 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 2,6% của tháng trước. So với tháng 2, giá lương thực giảm 1,4% trong tháng 3. Điều đó đẩy CPI tháng 3 giảm 0,3% so với tháng 2. Trước đó, CPI tháng 2 giảm 0,5% so với tháng 1.

Năm 2023, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu giá tiêu dùng bình quân tăng khoảng 3%. Năm 2022, giá tiêu dùng tăng 2% so với năm trước.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng trở lại trong những tháng tới khi thị trường lao động lại thắt chặt và sẽ đạt đỉnh 2,3% vào đầu năm 2024”, theo Zichun Huang – nhà kinh tế về Trung Quốc tại Capital Economics. “Nhưng nó sẽ thấp hơn nhiều so với mức trần khoảng 3,0% của chính phủ, và mức tăng lạm phát sẽ nhỏ hơn nhiều so với những nơi khác khi mở cửa”.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, vốn ghi nhận một trong những thành tích tăng trưởng tệ nhất trong gần nửa thế kỷ vào năm ngoái do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19. Năm 2023, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng 5% – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Dữ liệu gần đây cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn không đồng đều trong tháng 3, với lĩnh vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ nhưng lĩnh vực sản xuất mất đà trong bối cảnh số đơn đặt hàng xuất khẩu thấp.

Bruce Pang – nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle – cho biết giá sản xuất có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới do thương mại kém và sự phục hồi chậm trong tiêu dùng và đầu tư bất động sản. “Các chính sách cần ưu tiên tiêu dùng và tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực mở rộng nhu cầu nội địa”.

Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức bao gồm xuất khẩu yếu và suy thoái bất động sản.

Bắc Kinh cần “thử mọi phương pháp” để ổn định xuất khẩu sang các nước phát triển, Thủ tướng Lý Cường cho biết cuối tuần trước. Ông cảnh báo rằng tác động của suy thoái toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước vẫn là mối quan tâm chính.

Một số nhà phân tích cho rằng khả năng hỗ trợ chính sách của Trung Quốc là hạn chế. “PBoC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) vừa cắt giảm RRR (tỷ lệ dự trữ bắt buộc) 25 điểm cơ bản vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không muốn tung ra một gói kích thích lớn do lo ngại về sự méo mó và rủi ro tài chính”, các nhà phân tích tại Nomura cho biết.