VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất từ tháng hai

Chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất từ tháng hai

09:21 - 12/05/2021

Dow Jones giảm 1,36% trong phiên ngày 11/5 khi các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về lạm phát.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 475 điểm, tương đương 1,36% xuống 34.269,16, khi các nhà đầu tư rút tiền khỏi nhiều cổ phiếu tài chính, công nghiệp và năng lượng vốn đã tăng mạnh từ đầu năm nay. Đây là ngày sụt giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ cuối tháng Hai.

Đã xuất hiện lo ngại về lạm phát gia tăng trên thị trường khi nền kinh tế Mỹ nóng lên, một phần là do nhu cầu bị dồn nén và các gói kích thích của chính phủ. Nỗi lo về lạm phát tăng liên tục đè nặng lên các cổ phiếu tăng trưởng, bao gồm cả những cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi đó, các cổ phiếu chu kỳ tăng do kỳ vọng nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Ba, xu hướng đã đảo ngược khi các cổ phiếu bán lẻ, năng lượng và tài chính như Home Deport, Chevron và American Express giảm 2,6% trở lên, kéo chỉ số Dow đi xuống. Chỉ có 2/30 cổ phiếu trong nhóm chỉ số tăng giá.

Ngược lại, nhiều cổ phiếu công nghệ lại tăng điểm sau khi giảm mạnh đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ giảm nhẹ 12,43 điểm, tương đương 0,1% xuống 13.389,43, sau khi giảm 2,2% trước đó trong ngày.

Chỉ số S&P 500 giảm 36,33 điểm, tương đương 0,9% xuống 4.152,10.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,623%, từ mức 1,601% hôm thứ Hai, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp.

“Thị trường đang có chút xáo trộn”, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết. “Chúng ta có rất nhiều luồng tin tức liên quan đến tình trạng thiếu xăng, vụ hack [đường ống Colonial Pipeline] và rõ ràng là mọi người đang nói về báo cáo việc làm [và liệu nó có] phản ánh điểm yếu của nền kinh tế”. “Thật khó để biết được khi dòng tiền đang di chuyển trái chiều dữ dội như thế này”, ông nói thêm.

Những biến động dữ dội trên thị trường chứng khoán vào ngày thứ Ba đã khiến Chỉ số Biến động Cboe, hay VIX, được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, leo thang. Chỉ số này được giao dịch ở mức cao nhất là 23,73 trong ngày thứ Ba, mức cao nhất kể từ ngày 10 tháng 3. VIX phần lớn dao động dưới 20 trong vài tuần qua khi thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập nhiều kỷ lục.

Các chỉ số S&P 500 và Dow đã lập kỷ lục vào thứ Sáu gần đây nhờ hy vọng Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) sẽ trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ sau báo cáo việc làm tháng 4 thất vọng.

Mức tăng/giảm theo ngày của chỉ số Dow Jones trong năm nay

Mức tăng/giảm theo ngày của chỉ số Dow Jones trong năm nay. Nguồn: Wall Street Journal

Thống đốc Fed Lael Brainard cho biết hôm thứ Ba rằng ngân hàng trung ương này vẫn còn lâu mới đạt được mục tiêu lạm phát và việc làm, lưu ý rằng rủi ro vẫn còn ngay cả khi triển vọng kinh tế của Mỹ sáng sủa. Những ngày gần đây, các quan chức Fed khác cho biết nền kinh tế vẫn cần sự hỗ trợ từ quan điểm lãi suất gần bằng 0 và 120 tỷ USD tiền mua trái phiếu hàng tháng của Fed.

Tuy nhiên, những nhận xét đó vẫn chưa đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi của nhà đầu tư về lạm phát và việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều người đang đặt cược rằng lạm phát có thể sẽ leo dốc trong những tháng tới, do chi tiêu dồn nén cũng như tắc nghẽn nguồn cung và giá hàng hóa tăng vọt.

Peter Langas, chiến lược gia danh mục đầu tư tại Bessemer Trust cho biết: “Lạm phát là một vấn đề mà hiện mọi người đều quan tâm và nó đang khiến mọi người không chắc chắn”.

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao sự gia tăng mạnh mẽ của giá các mặt hàng như ngô và gỗ xẻ, và nhiều người vẫn lo ngại về các vấn đề chuỗi cung ứng và sự gián đoạn sản xuất. Các công ty khác nhau, từ các nhà sản xuất ô tô đến bán dẫn đã cảnh báo về sự suy yếu của chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây.

“Các vấn đề với chuỗi cung ứng đã bị đánh giá quá thấp”, Christopher Harvey, người đứng đầu bộ phận chiến lược cổ phiếu tại Wells Fargo Securities, cho biết. “Có vẻ như những công ty nhạy cảm với chu kỳ kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi những vấn đề này”.

Trong số 11 lĩnh vực của S&P 500, các cổ phiếu năng lượng như Occidental Petroleum và Exxon Mobil chịu mức giảm mạnh nhất vào thứ Ba. Các công ty theo chu kỳ khác cũng bị lỗ lớn bao gồm công ty xây dựng nhà PulteGroup và công ty du lịch Royal Caribbean.

Các công ty công nghệ vốn hóa siêu lớn như Alphabet – công ty mẹ của Google, Apple và Microsoft cũng giảm điểm, trong khi Tesla giảm 1,9%. Gã khổng lồ bán dẫn Intel giảm 1,7%.

Ở châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 toàn lục địa giảm 2%. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 2%. Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,1%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,2%.

Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá sản xuất ở Trung Quốc tháng trước tăng mạnh nhất trong 3 năm rưỡi, làm tăng thêm lo ngại về áp lực lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu.