VNReport»Kinh tế»16 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất năm 2023

16 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất năm 2023

10:07 - 19/04/2023

IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ 15 thế giới với tốc độ 5,8% trong năm 2023.

Năm 2022, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, bao gồm lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ, chiến tranh ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng lương thực và năng lượng. Những thách thức này ảnh hưởng nhiều đến các nước đang phát triển vì họ dựa vào tín dụng toàn cầu giá rẻ để tăng trưởng.

Năm 2023, những khó khăn trên chưa giảm bớt. Nhưng các quốc gia sau đây vẫn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay.

  1. Guyana (37,5%)

Nền kinh tế của Guyana – một đất nước ở Nam Mỹ – đang phát triển mạnh nhờ khai thác dầu mỏ. GDP của nước này năm 2023 được dự báo gấp đôi so với năm 2021 và cao hơn 37,5% so với năm 2022. Thu từ dầu khí tăng cho phép nước này đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và nỗ lực giảm nghèo.

  1. Libya (17,5%)

Nền kinh tế của Libya chủ yếu dựa vào thu nhập từ ngành dầu mỏ, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu và 60% GDP. Do đó, kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Libya cũng là một trong những nước châu Phi có GDP đầu người cao nhất nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào và dân số nhỏ.

  1. Senegal (8,3%)

Senegal ghi nhận tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ gần đây nhờ xuất khẩu tài nguyên như vàng và dầu mỏ. Ngoài ra, dự án khí đốt đầu tiên của đất nước ở Tây Phi này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2023, tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng này.

  1. Maldives (7,2%)

Maldives – một quốc đảo ở Nam Á – có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch. Vì vậy, đại dịch Covid-19 khiến GDP của Maldives giảm mạnh lần lượt 33,5% năm 2020 và 37% năm 2021. Kinh tế nước này bắt đầu hồi phục từ năm ngoái và được dự báo tiếp tục tăng trưởng 7,2% năm nay.

  1. Fiji (7%)

Nền kinh tế Fiji cũng phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch. IMF dự báo GDP của quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương này tăng trưởng 7% năm 2023, với GDP đầu người tăng 5,7%, nhờ sụ phục hồi của ngành du lịch.

  1. Cộng hòa Dân chủ Congo (6,3%)

Sau khi tăng trưởng 8,6% năm 2022, nền kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Congo dự báo tăng tiếp 6,3% năm 2023. Động lực tăng trưởng chính của quốc gia ở Trung Phi là sự mở rộng của ngành khai khoáng nhờ tăng cường năng lực khai thác và sự phục hồi của nhu cầu thế giới.

  1. Bờ Biển Ngà (6,2%)

Bờ Biển Ngà – một quốc gia ở Tây Phi – là nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới hạt ca cao. Đây là mặt hàng đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Sau khi đạt được ổn định chính trị từ năm 2011, GDP Bờ Biển Ngà bắt đầu tăng nhanh và được dự báo tiếp tục tăng trưởng 6,2% trong năm 2023.

  1. Rwanda (6,2%)

Nền kinh tế Rwanda dựa nhiều vào khai thác những khoáng sản như vàng, dầu khí, thiếc … và các nông sản bao gồm cà phê và trà. Trong nhưng năm gần đây, ngành du lịch của quốc gia ở Trung Phi này phát triển nhanh và trở thành động lực giúp Rwanda tăng trưởng 8,4% năm 2022 và dự báo 6,2% năm 2023.

  1. Ethiopia (6,1%)

Ethiopia – một quốc gia ở Đông Phi – cũng có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nông sản và khoáng sản. Gần đây, nước này cũng tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư vào sản xuất. GDP của Ethiopia dự báo tăng trưởng 6,1% năm 2023.

  1. Niger (6,1%)

Hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Niger là vàng. Các mặt hàng xuất khẩu lớn khác của đất nước ở Tây Phi bao gồm hạt có dầu, uranium và khí đốt. IMF dự báo GDP Niger tăng trưởng 6,1% trong năm 2023.

  1. Benin (6%)

Nền kinh tế của Benin – một quốc gia khác ở Tây Phi – được dự báo phát trưởng tốt nhờ sự cải thiện của ngành sản xuất bông. GDP nước này được IMF dự báo tăng trưởng 6% trong năm nay.

  1. Philippines (6%)

GDP của Philippines được IMF dự báo tăng trưởng 6% trong năm 2023 – bằng với ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tăng trưởng việc làm và bán lẻ, sản xuất cũng như chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng là những động lực kinh tế của nước này trong các năm tới.

  1. Ấn Độ (5,9%)

GDP của Ấn Độ tăng trưởng 7% trong năm 2022, biến nước này trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng gấp đôi và tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể. Quy mô GDP của Ấn Độ hiện xếp thứ 5 thế giới và được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.

  1. Campuchia (5,8%)

GDP của Campuchia được dự báo tăng trưởng 5,8% trong năm 2023, tiếp tục hồi phục sau đại dịch. Động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi của ngành sản xuất các mặt hàng như dệt may và nông sản, mặc dù sự phục hồi này dự báo chậm hơn trong năm nay so với năm 2022.

  1. Việt Nam (5,8%)

Sau khi tăng trưởng hơn 8% năm ngoái, Việt Nam tiếp tục được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ 5,8% năm nay. Ngành sản xuất tập trung vào xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế.

  1. Uganda (5,7%)

Xuất khẩu nông sản đóng góp nhiều vào nền kinh tế của Uganda – một đất nước ở Đông Phi. Đất nước này ghi nhận tăng trưởng kinh tế đều đặn khoảng 5% mỗi năm trước đại dịch và đang trở lại vùng tăng trưởng này với dự báo 5,7% trong năm 2023.