VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý I sau khi tái mở cửa

Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý I sau khi tái mở cửa

11:32 - 18/04/2023

GDP của Trung Quốc trong quý I tăng 4,5% với doanh số bán lẻ tăng mạnh nhưng sản lượng sản xuất kém hơn kỳ vọng.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý I/2023, sau 3 năm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị kìm hãm do thực thi chính sách nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch. Nhưng sự phục hồi không cân bằng khi tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong khi sản xuất mở rộng với tốc độ chậm hơn.

GDP của Trung Quốc tăng 4,5% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Thống kê Quốc gia nước này. Kết quả đó cao hơn dự đoán 4,0% của các nhà kinh tế và đánh dấu sự tăng tốc so với mức tăng trưởng 2,9% trong quý IV/2022 – một trong những quý tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng 10,6% trong tháng 3, tăng tốc so với mức 3,5% trong 2 tháng đầu năm.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng 10,6% trong tháng 3, tăng tốc so với mức 3,5% trong 2 tháng đầu năm.

Nhà đầu tư theo sát dữ liệu kinh tế quý I của Trung Quốc để đánh giá sức mạnh của đợt phục hồi sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế Covid vào tháng 12 và giảm bớt áp lực quy định lên các công ty bất động sản và công nghệ sau 3 năm đàn áp.

Tháng trước, chính quyền nước này công bố mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm 2023 – mục tiêu thấp nhất trong nhiều thập kỷ – sau khi chỉ tăng trưởng 3% trong năm ngoái do hàng loạt các đợt phong tỏa diện rộng để theo đuổi chính sách “zero Covid”.

Doanh số bán lẻ – thước đo chính về tiêu dùng của Trung Quốc và là một động lực phục hồi quan trọng – tăng 10,6% trong tháng 3 so với một năm trước đó, tăng tốc so với mức 3,5% trong 2 tháng đầu năm. Các nhà kinh tế trước đó dự đoán doanh số bán lẻ tăng 7,9% trong tháng 3.

Sản lượng sản xuất cũng tăng lên, mặc dù không mạnh như các nhà kinh tế dự báo. Sản lượng công nghiệp tăng 3,9% trong tháng 3 so với một năm trước đó, tăng tốc từ mức 2,4% trong 2 tháng đầu năm mặc dù thấp hơn tốc độ 4,1% dự kiến.

Đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc tăng 5,1% trong quý đầu năm, thấp hơn tốc độ 5,8% mà các nhà kinh tế dự đoán và chậm lại so với tốc độ 5,5% trong 2 tháng đầu năm.

Tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát ở thành thị giảm xuống 5,3% trong tháng 3, từ mức 5,6% trong tháng 2.

“Nhìn chung, đó là bộ dữ liệu khá tốt từ Trung Quốc trong quý I, giúp họ đi đúng hướng cho mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay”, theo Matt Simpson – nhà phân tích thị trường cao cấp ở City Index. “Nó cũng giúp nâng cao tâm lý ở mức độ nào đó tại châu Á … mặc dù phản ứng hơi yếu cho thấy vẫn còn lo ngại rằng dữ liệu quý I thể hiện lực đẩy ban đầu của việc tái mở cửa, và động lực có thể giảm dần trong quý II và quý III”.

Giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế 18 nghìn tỷ USD trong năm nay, nhưng họ bị giới hạn không gian hành đông do lo ngại về rủi ro nợ.

Tuần trước, ngân hàng trung ương của Trung Quốc cho biết sẽ duy trì thanh khoản dồi dào, ổn định tăng trưởng và việc làm, đồng thời tập trung vào kích cầu. Hôm thứ Hai, ngân hàng trung ương đã tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua vốn vay trung hạn nhưng giữ nguyên lãi suất – một dấu hiệu cho thấy nhà chức trách không quá lo ngại về triển vọng tăng trưởng trước mắt.

Chính phủ cũng giới thiệu thêm các chính sách kích thích tài khóa, trong khi ngân hàng trung ương kích thích tiền tệ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng vào tháng 3.

Tuần trước, Trung Quốc công bố dữ liệu lạm phát tiêu dùng thấp nhất trong 18 tháng, trong khi giá sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo Wen Bin – nhà kinh tế trưởng ở China Minsheng Bank: “Lo ngại của thị trường hiện tại về giảm phát phần lớn phản ánh lo ngại về sức mạnh và khả năng duy trì của đợt phục hồi kinh tế”.