VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu

Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu

16:15 - 18/04/2023

Các cơ quan chính phủ, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế – tài chính, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế họp bàn về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức một hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu dưới sự chủ trì của Bộ trường Hồ Đức Phớc.

Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” được thực hiện theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan chính phủ, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế – tài chính, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phớc cho biết sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hóa đang ảnh hưởng lớn đến các quốc gia. Các hình thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đặt ra thách thức mới cho cơ quan quản lý, đặc biện là cơ quan thuế khi các doanh nghiệp có hành vi chuyển lợi nhuận, làm xói mòn cơ sở tính thuế.

Quang cảnh hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu ngày 18/4.

Quang cảnh hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu ngày 18/4.

Trong bối cảnh đó, hơn 140 nước trên thế giới – bao gồm Việt Nam – đã ký thỏa thuận về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Quy tắc này nhằm hạn chế tình trạng nhiều công ty lớn đa quốc gia lập kế hoạch giảm thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang thiên đường thuế, hay kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.

Theo quy tắc, những công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm hơn 750 triệu euro sẽ phải chịu mức thuế hiệu quả ít nhất là 15%. Các chính phủ vẫn có thể tùy ý thiết lập thuế suất doanh nghiệp. Nhưng nếu một doanh nghiệp trả thuế suất thấp hơn 15% ở một nước, thì chính phủ nơi doanh nghiệp này đặt trụ sở có thể thu thêm thuế để thuế suất hiệu quả đạt đến 15%.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm 70 doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng từ năm 2024.

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết các nước gồm Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hong Kong, Australia xác nhận áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là những nước đầu tư nhiều vào Việt Nam và có nhiều doanh nghiệp sẽ chịu mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Hiện có khoảng 335 dự án có vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Minh cho biết. Các doanh nghiệp đầu tư những dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó chủ yếu là những doanh nghiệp công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron. Tổng vốn đầu tư đăng ký của họ chiếm gần 30% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Ông Minh cho biết, nếu áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu mà Việt Nam không có phản ứng kịp thời thì lợi ích từ ưu đãi thuế mà các doanh nghiệp này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa. Điều đó ảnh hưởng đến sức hấp dẫn, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam trong thu hút FDI và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.

Ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam – cho biết nếu Việt Nam không có chính sách ứng phó triệt để vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ gặp khó khăn. Ông kiến nghị Việt Nam cần có hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng vì thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Robert King – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam – kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các chính sách ưu đãi có thể là hỗ trợ trực tiếp chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, hoạt động giảm phát thải …

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ các chi phí liên quan đến phúc lợi cho người lao động như chi phí xây dựng ký túc xá cho công nhân, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ công nhân, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ chi phí đi lại cho công nhân.