VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng First Republic phá sản, bán cho JP Morgan

Ngân hàng First Republic phá sản, bán cho JP Morgan

08:08 - 02/05/2023

Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau khi 2 ngân hàng khu vực khác của Mỹ cũng sụp đổ trong tháng 3.

Một ngân hàng khu vực nữa của Mỹ phá sản sau khi Ngân hàng First Republic bị cơ quan quản lý tịch thu và bán cho JP Morgan Chase, nhằm ngăn chặn một sự sụp đổ hỗn loạn đe dọa khơi lại cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây.

JPMorgan cho biết sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả 92 tỷ USD tiền gửi của First Republic – cả được bảo hiểm và không được bảo hiểm. JP Morgan cũng mua hầu hết tài sản của First Republic, bao gồm khoảng 173 tỷ USD các khoản cho vay và 30 tỷ USD chứng khoán.

First Republic – có trụ sở tại San Francisco – là ngân hàng lớn thứ hai phá sản trong lịch sử Mỹ. Ngân hàng này đã bị rút mất 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng 3 sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở gần đó. Nó sống sót được trong một vài tuần sau đó khi được một nhóm các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ giải cứu với khoản tiền gửi 30 tỷ USD. Khoản tiền gửi này sẽ được trả lại sau khi kết thúc giao dịch mua lại, JPMorgan cho biết.

First Republic bị rút 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng 3, sau sự sụp đổ của SVB.

First Republic bị rút 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng 3, sau sự sụp đổ của SVB.

Trong số 4 vụ phá sản ngân hàng lớn nhất lịch sử Mỹ, có 3 vụ xảy ra trong 2 tháng qua. First Republic – với tài sản khoảng 233 tỷ USD ở cuối quý I – chỉ xếp sau vụ sụp đổ năm 2008 của Washington Mutual. Cũng nằm trong top 4 là SVB và Ngân hàng Signature – một tổ chức tín dụng có trụ sở tại New York cũng phá sản vào tháng 3.

Cả First Republic và Washington Mutual hiện đều thuộc sở hữu của JPMorgan. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ từng tham gia vào giải cứu các cuộc khủng hoảng ngân hàng trước đây.

84 chi nhánh của First Republic sẽ mở cửa trở lại như một phần của JPMorgan vào thứ Hai trong giờ làm việc bình thường. Khách hàng sẽ có toàn quyền tiếp cận tiền gửi của mình, cơ quan quản lý cho biết.

Sự phá sản của First Republic được cho là ít có thể gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin nữa đối với ngành ngân hàng Mỹ. Các ngân hàng khu vực đều mất tiền gửi trong quý I, nhưng mức giảm khiêm tốn so với 100 tỷ USD bị rút ra ở First Republic.

“Đây là giai đoạn cuối cùng của sự hoảng loạn ban đầu đó. Vấn đề của First Republic bắt nguồn từ hậu quả của SVB và Signature”, theo Steven Kelly – một nhà nghiên cứu tại Đại học Yale. “Đây không phải là câu chuyện của năm 2008, khi một ngân hàng sụp đổ và các nhà đầu tư tập trung vào ngân hàng lớn nhất tiếp theo, khiến ngân hàng đó chao đảo”.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của First Republic là việc các khách hàng có nhiều tiền gửi không được bảo hiểm dùng điện thoại để rút tiền hàng loạt. Nhưng vấn đề gốc của ngân hàng là thiệt hại do lãi suất tăng.

Trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái, First Republic tăng trưởng chóng mặt nhờ lãi suất siêu thấp và tiết kiệm bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Nhưng khi lãi suất tăng lên, khách hàng đòi hỏi lãi suất tiền gửi cao hơn để giữ tiền ở First Republic. Việc lãi suất tăng cũng làm giảm giá trị của các khoản cho vay dài hạn mà ngân hàng cấp khi lãi suất gần bằng 0.

Vấn đề đó trở nên nguy cấp vào tháng 3, khi vụ sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại về những rủi ro ẩn nấp trong hệ thống ngân hàng. Các nhà đầu tư và khách hàng đặc biệt lo lắng về những ngân hàng dựa nhiều vào tiền gửi không được bảo hiểm và có các khoản lỗ lớn chưa ghi nhận trong danh mục cho vay và chứng khoán vì lãi suất tăng.

Trong báo cáo kinh doanh quý I công bố vào tuần trước, First Republic tiết lộ mức độ bị rút tiền gửi và cho biết họ phải lấp đầy lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán của mình bằng những khoản vay đắt đỏ từ Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang. Điều này khiến ngân hàng phải trả lãi trên nợ nhiều hơn so với lãi thu về từ tài sản trong tương lai.

Báo cáo kinh doanh tệ khiến cổ phiếu của ngân hàng giảm gần 50% trong một ngày. Cổ phiếu của First Republic đóng cửa tuần ở mức 3,51 USD, giảm 97% so với mức 115 USD vào ngày 8/3 – một ngày trước khi SVB rơi vào khủng hoảng.