VNReport»Top»Đừng bao giờ nói 4 điều này khi dạy con tập ăn

Đừng bao giờ nói 4 điều này khi dạy con tập ăn

06:32 - 09/05/2023

Chắc chắn bậc cha mẹ nào cũng đã từng dùng một trong những lời nói dưới đây để dạy con tập ăn. Tuy nhiên, thay vì ép con phải thực hiện những điều không mong muốn thì hãy biến bữa cơm trở nên vui vẻ và dạy trẻ những kiến thức cần thiết liên quan đến món ăn.

Trẻ nhỏ đa số thường rất kén ăn, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi nghe những phàn nàn của các bậc cha mẹ về việc dạy con tập ăn. Là chuyên gia dinh dưỡng và cũng là người sáng lập Kids Eat in Color – thạc sĩ Jennifer Anderson mong muốn giúp cha mẹ tạo ra môi trường ăn uống dễ chịu, thoải mái và hấp dẫn để trẻ có thể học cách thưởng thức các món ăn mới.

Sau nhiều năm quan sát hành vi ăn uống của trẻ em, bà nhận thấy rằng một số câu nói nhất định sẽ khiến việc ăn uống của trẻ bị chệch hướng. Để giúp con bạn phát triển mối quan hệ lành mạnh với thức ăn, cha mẹ cần tránh 4 câu nói độc hại sau.

Ảnh minh họa: Getty 

  1. Con sẽ được ăn tráng miệng sau khi ăn món này

Khi bạn dùng đồ ngọt để thuyết phục một đứa trẻ ăn thứ gì đó, tất cả những gì chúng nghe được là: “Con biết đấy, món này không tốt. Nó tệ đến mức bố mẹ phải ‘hối lộ’ để còn ăn hết nó”.

Nếu muốn trẻ có cái nhìn công bằng về các loại thực phẩm thì cha mẹ cần tránh việc dùng món ăn trẻ thích để dụ dỗ món mà bé không thích. Theo bà Anderson, việc so sánh các loại thực phẩm khác nhau sẽ không khuyến khích trẻ lựa chọn các món ăn lành mạnh.

Do đó thay vì nói “con sẽ được ăn tráng miệng sau khi ăn món này”, hãy nói “con có thể ăn món này khi sẵn sàng”. Cách nói này mang lại cho trẻ quyền lựa chọn và sẽ hiệu quả hơn bất cứ cách “hối lộ” nào.

Thêm nữa, bạn có thể làm cho bữa ăn trở nên vui tươi hơn khi để trẻ tiếp cận với những món ăn mà chúng chưa thích. Ví dụ, khi trẻ không thích bông cải xanh, bạn có thể giả vờ như bông cải xanh là một chiếc micro và tập hát cùng con. Cách này cũng giúp trẻ được tương tác với những thứ chúng chưa thích và có thể thay đổi cái nhìn về món ăn.

  1. Nếu con im lặng, bố mẹ sẽ cho con một chiếc bánh quy

Đây là một cụm từ khác làm nâng tầm giá trị của đồ ngọt. Bạn càng dùng đồ ngọt làm phần thưởng, chúng càng có vị trí cao hơn trong lòng trẻ.

Kết quả là, con bạn có thể chỉ muốn đồ ngọt hơn là muốn các loại thực phẩm khác. Hoặc trẻ sẽ chỉ cảm thấy dễ chịu khi phụ thuộc vào đồ ngọt.

Thay vì dùng đồ ngọt để trao thưởng cho con, cha mẹ nên chọn phần thưởng khác lành mạnh hơn có thể là trò chơi mà con yêu thích. Cha mẹ lưu ý cần hạn chế cho con ăn đồ ngọt thường xuyên, chỉ nên ăn vào những dịp đặc biệt.

Cha mẹ nên dạy trẻ công dụng của thực phẩm để trẻ hứng thú hơn với bữa ăn. 

  1. Con phải ăn thêm một miếng nữa rồi mới được nói “không”

Về cơ bản, điều này sẽ khiến trẻ hiểu rằng: “Con không được phép từ chối, mặc kệ con đang nghĩ gì”.

Ép trẻ ăn có thể khiến trẻ bỏ qua cảm giác đói và no. Và khi lớn lên, chúng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nói “không” với những điều mà chúng không thoải mái.

Do đó, thay vì bắt ép con ăn thêm một miếng nữa, bạn hãy dạy con từ chối một cách lịch sự. Ví dụ khi không muốn ăn thứ gì đó hãy dạy con nói rằng: “Con không ăn đâu ạ, con cảm ơn”.

  1. Bố mẹ sẽ rất vui nếu con ăn thêm một miếng nữa

Các bậc cha mẹ thường nói câu này khi lo lắng con mình ăn ít và không đủ chất dinh dưỡng. Thực tế, câu nói này chỉ khiến trẻ phát triển thói quen ăn uống để khiến cha mẹ vui vẻ. Trong khi điều trẻ cần được dạy là ăn những thực phẩm bổ dưỡng sẽ có lợi cho sức khỏe như thế nào.

Do đó, thay vì ép con ăn thêm một miếng, cha mẹ hãy giải thích tác dụng của món ăn đó. Ví dụ: “Cà rốt rất nhiều vitamin A, tốt cho thị giác và giúp con nhìn rõ hơn”.

Giải thích cho con về tác dụng của việc ăn uống lành mạnh với cơ thể sẽ giúp trẻ có cái nhìn khách quan,  thực tế hơn về món ăn, đồng thời kích thích sự tò mò, khiến trẻ muốn tìm hiểu và muốn thử thêm nhiều món ăn mới.