VNReport»Kinh tế»Tài chính»Cổ phần hóa Agribank, cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Cổ phần hóa Agribank, cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

07:58 - 10/05/2023

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 của từng TCTD.

Việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và cơ cấu lại các TCTD yếu kém trong giai đoạn 2021 – 2025 xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới và yêu cầu khắc phục những khó khăn, hạn chế của các TCTD trong các giai đoạn trước, đồng thời là quá trình tiếp nối và kế thừa các kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 – 2021.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, NHNN đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022). Để triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 12/8/2022).

Ngoài ra, NHNN đã có văn bản yêu cầu TCTD thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của TCTD, nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD giai đoạn 2021 – 2025 và lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với Đề án 689. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các TCTD xây dựng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 của từng TCTD.

NHNN đã có văn bản yêu cầu TCTD thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của TCTD, nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD giai đoạn 2021 – 2025 và lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với Đề án 689.

Kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy, các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các TCTD; tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đối với việc cổ phần hóa Agribank, để chuẩn bị cho việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank, NHNN đang phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc ban hành quyết định cổ phần hóa, thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank.

Đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong năm 2022, NHNN triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng mua bắt buộc. Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

Các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động

Các TCTD phi ngân hàng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. NHNN đang nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại một số TCTD phi ngân hàng yếu kém để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), NHNN tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống QTDND. Trong đó, chỉ đạo NHNN chi nhánh theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống QTDND; triển khai quyết liệt phương án xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt, xem xét cho phép thí điểm việc xử lý pháp nhân các QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít)/QTDND không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi thông qua phương án phá sản sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống.

Đối với tổ chức tài chính vi mô (TCVM), hoạt động của tổ chức TCVM trong thời gian qua tiếp tục khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng trong việc gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của phân khúc người nghèo, người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ, có những hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế tín dụng đen.