VNReport»Top»7 nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất

7 nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất

06:24 - 11/05/2023

Trung Quốc đứng đầu thế giới về trữ lượng và cũng là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới. Mặc dù có trữ lượng nhiều thứ hai, sản lượng khai thác của Việt Nam còn tương đối thấp ngay cả sau khi tăng mạnh trong năm 2022.

Các nguyên tố đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố quan trọng trong sản xuất những thiết bị công nghệ cao và pin. Trong những năm gần đây, nhu cầu đất hiếm bùng nổ cùng với sự phổ biến của các mặt hàng điện tử trong cuộc sống thường ngày và nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh.

Đất hiếm có dồi dào trong vỏ Trái Đất, nhưng lượng quặng tinh khai thác được ít hơn. Vì vậy, các mỏ đất hiếm là nguồn tài nguyên rất có giá trị và mang tính chiến lược.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính trữ lượng cũng như sản lượng khai thác đất hiếm của các nước. Theo đó, Trung Quốc là nước có trữ lượng và sản lượng lớn nhất thế giới. Sự thống trị của Trung Quốc từng gây ra vấn đề cho thị trường và có thể là rủi ro trong tương lai trong bối cảnh căng thẳng về thương mại và địa chính trị. Vì vậy, các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm những nguồn cung ngoài Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm của nước này.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về trữ lượng, với khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm nằm nhiều nhất ở vùng Tây Bắc, với mỏ lớn nhất ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Một số nước có trữ lượng lớn nhưng sản lượng tương đối thấp vì việc khai thác đất hiếm có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường. Ví dụ, Brazil có trữ lượng 21 triệu tấn nhưng chỉ khai thác 80 tấn trong năm 2021. Trong tương lai, những quốc gia như Brazil có thể trở thành nhà khai thác quan trọng hơn trên thị trường.

  1. Trung Quốc (44 triệu tấn)

Trung Quốc vừa là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất và cũng là nhà khai thác số một. USGS ước tính nước này có 44 triệu tấn khoáng sản đất hiếm, và trong năm 2022, Trung Quốc khai thác 210 nghìn tấn.

Lượng dự trữ của Trung Quốc bằng khoảng 38% tổng lượng dự trữ toàn thế giới.  Sự thống trị của nước này về đất hiếm từng gây ra vấn đề cho thị trường, khi giá đất hiếm tăng vọt vào năm 2010 do nước này giảm xuất khẩu.

  1. Việt Nam (22 triệu tấn)

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam ở mức 22 triệu tấn. Theo báo cáo của USGS, Việt Nam có một số mỏ lớn ở gần biên giới giáp với Trung Quốc. Phần lớn đất hiếm ở nước ta nằm trong các mỏ quặng nguyên sinh, với một lượng nhỏ hơn nằm trong các mỏ sa khoáng ven biển.

So với quy mô trữ lượng, sản lượng đất hiếm của Việt Nam rất nhỏ vào năm 2021 ở mức 400 tấn, nhưng tăng mạnh trong năm 2022 lên 4.300 tấn. Sản lượng khai thác đất hiếm thấp một phần vì lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường. Gần đây, các mỏ đất hiếm của Việt Nam được quan tâm khi thế giới thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

  1. Brazil (21 triệu tấn)

Giống Việt Nam, Brazil cũng là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhưng khai thác ít. Nước này được ước tính có 21 triệu tấn khoáng sản đất hiếm nhưng chỉ khai thác 80 tấn trong năm 2022, giảm mạnh so với sản lượng 500 tấn của năm 2021.

Năm 2012, một mỏ đất hiếm trị giá 8,4 tỷ USD được tìm thấy ở Brazil, nhưng phát hiện này cho đến nay không đem lại nhiều kết quả.

  1. Nga (21 triệu tấn)

Nga được ước tính có trữ lượng đất hiếm bằng với Brazil (21 triệu tấn). Nước này khai thác 2.600 tấn trong năm 2022, gần bằng với mỗi 4 năm trước đó dù có lo ngại rằng ngành đất hiếm của nước này bị ảnh hưởng do chiến tranh.

Trước cuộc xâm lược vào Ukraine, chính phủ Nga từng bày tỏ mong muốn cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Nước này tung ra các biện pháp kích thích bao gồm giảm thuế khai thác và cho vay ưu đãi với các nhà đầu tư vào khai thác đất hiếm, với mục tiêu chiếm 10% sản lượng đất hiếm toàn cầu vào năm 2030.

  1. Ấn Độ (6,9 triệu tấn)

Trữ lượng đất hiếm của Ấn Độ ở mức 6,9 triệu tấn và nước này đã khai thác 2.900 tấn đất hiếm vào năm 2022, không đổi so với năm ngoái và chỉ bằng khoảng 1% tổng sản lượng thế giới.

Ngành đất hiếm Ấn Độ sản xuất thấp hơn nhiều tiềm năng, khi mà nước này có gần 35% các mỏ khoáng sản cát của thế giới – một nguồn đất hiếm quan trọng.

  1. Úc (4,2 triệu tấn)

Úc có trữ lượng đất hiếm nhiều thứ 6 thế giới với 4,2 triệu tấn, nhưng nước này đứng thứ 3 về khai thác với 18 triệu tấn trong năm 2022, giảm từ 24 triệu tấn trong năm trước.

Mt Weld in Australia.

Đất hiếm chỉ mới được khai thác ở Úc từ năm 2007, nhưng sản lượng dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới. Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Lynas và Northern Minerals đều đang có kế hoạch mở rộng khai thác.

  1. Mỹ (2,3 triệu tấn)

Mỹ là nước khai thác đất hiếm nhiều thứ hai thế giới trong năm 2022, với sản lượng 43.000 tấn, mặc dù chỉ đứng thứ 6 về trữ lượng với 2,3 triệu tấn. Ước tính trữ lượng của Mỹ tăng mạnh từ mức 1,8 triệu tấn vào năm 2021.

Mỹ hiện chỉ khai thác đất hiếm ở một mỏ duy nhất: Mountain Pass, bang California. Ngoài nguồn cung trong nước, Mỹ cũng nhập khẩu nhiều đất hiếm từ bên ngoài. Nước này coi đất hiếm là các khoang sản quan trọng, và chính phủ Mỹ đang nghiên cứu để đảm bảo chuỗi cung ứng đất hiếm trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc.