VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII

10:59 - 16/05/2023

Bản quy hoạch này ước tính cần nguồn vốn 134,7 tỷ USD để xây các nhà máy điện và lưới điện mới từ năm 2021 đến 2030

Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, còn gọi là Quy hoạch điện VIII.

Bản quy hoạch này ước tính cần nguồn vốn 134,7 tỷ USD để xây các nhà máy điện và lưới điện mới từ năm 2021 đến 2030. Giai đoạn 2031-2050, nhu cầu vốn là từ 399 đến 523 tỷ USD, phần lớn trong đó là đầu tư cho nguồn điện.

Quy hoạch điện VIII được lập phù hợp với mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7% trong giai đoạn 2021-2030.

Quy hoạch điện VIII được lập phù hợp với mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7% trong giai đoạn 2021-2030.

Quy hoạch điện VIII sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam dựa trên mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7% trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 6,5%-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050, Bộ Công Thương cho biết.

Sản lượng điện thương phẩm vào năm 2025 đạt 335 tỷ kWh, năm 2030 đạt 505,2 tỷ kWh, và đến năm 2050 đạt từ 1.114,1 đến 1.254,6 tỷ kWh.

Bộ cho biết một nửa số tòa nhà văn phòng và nhà dân tại Việt Nam sẽ sử dụng điện từ các tấm pin mặt trời trên mái nhà tự sản, tự tiêu vào năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu tạo năng lượng xanh để xuất khẩu, quy mô đạt 5-10 GW vào năm 2030.

Bộ Công Thương lần đầu trình Thủ tướng dự thảo Quy hoạch điện VIII từ tháng 3/2021. Nhưng quy hoạch này liên tục bị chậm tiến độ với hàng loạt các bản dự thảo sửa đổi. Bộ Công Thương cho biết việc sửa đổi để đáp ứng tiêu chí mới, ví dụ như những cam kết mà Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP 26 năm 2021.

Hiện chưa rõ kế hoạch phát triển công suất các nguồn điện khác nhau như thế nào.

Trước đó, Báo Chính phủ cho biết theo dự thảo mới nhất, tổng công suất phát điện cả nước đến năm 2030 sẽ đạt 158 GW, cao hơn ước tính trong bản dự thảo trước và tăng 129% so với mức 69 GW trong năm 2020.

Reuters cho biết đã xem bản dự thảo này. Theo đó, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than năm 2030 dự kiến đạt 30,1 GW, tăng từ 21,4 GW vào năm 2020. Than sẽ là nguồn điện lớn thứ hai của đất nước khi đó, chiếm 19% tổng công suất vào năm 2030.

Khí đốt sẽ vươn lên trở thành nguồn phát điện hàng đầu, với tổng công suất các nhà máy điện sử dụng khí đốt trong nước và khí hóa lỏng nhập khẩu đạt 37,33 GW, tương đương 23,6%. Thủy điện là nguồn năng lượng lớn thứ ba, chiếm 18,5%, tiếp theo là gió và mặt trời (lần lượt 17,6% và 13%).

Bản dự thảo này hạ mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 xuống 6 GW, từ mức 7 GW trong dự thảo hồi tháng 12. Đây là lĩnh vực dự kiến sẽ thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài.

Quy hoạch điện VIII là tài liệu quan trọng để giải phóng 15,5 tỷ USD khoản tài trợ chuyển đổi xanh mà nhóm G7 và các nước giàu khác đã cam kết cho Việt Nam vào tháng 12.

Để đạt được cam kết phát thải ròng carbon bằng 0 (net zero) vào năm 2050 đưa ra tại COP 26, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các nhà máy điện than vào năm đó.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2050 ước tính đạt từ 67,5% đến 71,5%.

Theo quy hoạch, mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện sẽ đạt từ 204 đến 254 triệu tấn vào năm 2030, sau đó giảm xuống còn khoảng 27 đến 31 triệu tấn vào năm 2050.