VNReport»Top»7 nguồn phát điện lớn nhất của Việt Nam năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII

7 nguồn phát điện lớn nhất của Việt Nam năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII

13:56 - 18/05/2023

Nhiệt điện than và thủy điện dự kiến tiếp tục là 2 nguồn phát điện lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030. Nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ con số 0 năm 2020 dự kiến trở thành nguồn điện lớn thứ ba vào năm 2030.

Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, còn gọi là Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch, tổng công suất phát điện cả nước đến năm 2030 sẽ đạt 158 GW (gigawatt), tăng 129% so với mức 69 GW năm 2020.

Nhiệt điện than và thủy điện tiếp tục là hai nguồn phát điện lớn nhất, mặc dù tỷ lệ các nguồn này trong tổng công suất phát điện giảm từ 61% xuống 38%. Nguồn điện tăng mạnh nhất là khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, từ 0 GW lên 22,4 GW.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió trên bờ, điện mặt trời và điện gió ngoài khơi cũng tăng lên. Theo định hướng đến năm 2050, đây sẽ là những nguồn phát điện chính trong hệ thống, chiếm khoảng 59-64% tổng công suất, phù hợp với cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm đó.

Điện hạt nhân không có trong quy hoạch năm 2030 cũng như định hướng đến năm 2050, mặc dù có một số ý kiến gần đây – bao gồm từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội – ủng hộ khởi động lại các dự án điện hạt nhân.

Theo Quy hoạch điện VIII, 7 nguồn phát điện sau đây sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng nguồn điện cả nước vào năm 2030. Ngoài những nguồn phát điện này, còn có những nguồn khác nhỏ hơn như điện sinh khối, điện rác, điện nhập khẩu …

  1. Nhiệt điện than (30,1 GW)

Than tiếp tục là nguồn phát điện lớn nhất của đất nước ít nhất cho đến năm 2030. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than dự kiến tăng 41% từ mức 21,4 GW năm 2020 lên 30,1 GW năm 2030.

Mặc dù vậy, cơ cấu nhiệt điện than trong tổng công suất phát điện giảm từ khoảng 31% năm 2020 xuống còn 19%. Quy hoạch điện VIII cũng định hướng không sản xuất điện bằng than vào năm 2050, một phần trong nỗ lực đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 mà Chính phủ đã cam kết tại hội nghị về khí hậu COP 26 năm 2021.

  1. Thủy điện (29,3 GW)

Công suất thủy điện năm 2020 gần bằng thủy điện và năm 2030 dự kiến cũng như vậy, đạt 29,3 GW, tăng 40% so với mức 21 GW năm 2020. Giống như nhiệt điện than, tỷ lệ thủy điện trong tổng công suất phát điện toàn quốc sẽ giảm từ 30% xuống còn 19%.

Quy hoạch điện VIII cũng lưu ý công suất thủy điện có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế – kỹ thuật cho phép. Theo định hướng đến năm 2050, tỷ lệ thủy điện sẽ giảm xuống còn 6,3-7,3%.

  1. Nhiệt điện khí hóa lỏng nhập khẩu (22,4 GW)

Từ việc không sử dụng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu để phát điện vào năm 2020, loại năng lượng này sẽ trở thành nguồn phát điện lớn thứ 3 của nước ta vào năm 2030, với tổng công suất 22,4 GW, chiếm 14% tổng nguồn điện.

Điện từ các nguồn khí đốt (cả trong nước và nhập khẩu) sẽ đạt 35,2 GW, chiếm 22% tổng công suất phát điện vào năm 2030. Đến năm 2050, tỷ lệ điện từ khí đốt (không kèm hydro) giảm xuống còn 1,4-1,6%.

Mặc dù cũng là nhiên liệu hóa thạch, nhưng khí đốt có mức phát thải carbon thấp hơn than. Vì vậy, nó sẽ được sử dụng nhiều hơn để giảm phát thải trong tương lai gần, nhưng sau đó sẽ giảm sử dụng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

  1. Điện gió trên bờ (21,9 GW)

Từ mức chỉ 0,5 GW vào năm 2020, công suất phát điện gió trên bờ sẽ tăng hơn 40 lần lên 21,9 GW vào năm 2030, chiếm 14% tổng nguồn điện. Định hướng đến năm 2050, công suất của loại năng lượng tái tạo này tăng lên 60,1-77,1 GW, chiếm 12,2%-13,4%.

Cả điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi đều được định hướng tăng trưởng mạnh trong 30 năm tới. Nhưng điện gió trên bờ sẽ phát triển mạnh hơn điện gió ngoài khơi từ nay đến năm 2030 vì chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn.

  1. Điện mặt trời (20,6 GW)

Điện mặt trời được định hướng là nguồn phát điện lớn nhất của nước ta vào năm 2050, chiếm khoảng 1/3 tổng công suất phát điện. Theo kế hoạch đến năm 2030, loại năng lượng tái tạo này sẽ chiếm 13% cơ cấu nguồn điện với công suất 20,6 GW.

Quy hoạch điện VIII cho biết đến năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2,6 GW điện mặt trời tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không nối với hệ thống điện quốc gia), lắp đặt ở 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân. Nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

  1. Nhiệt điện khí trong nước (14,9 GW)

Ngoài nhập khẩu khí hóa lỏng để phát điện, Việt Nam cũng vận chuyển khí đốt từ Biển Đông đến các nhà máy nhiệt điện khí. Năm 2020, tổng công suất của các nhà máy này là hơn 9 GW. Đến năm 2030, con số đó sẽ tăng 65% lên 14,9 GW.

Mặc dù vậy, tỷ lệ công suất điện từ khí đốt trong nước dự kiến giảm từ 13% năm 2020 xuống 10% năm 2030, sau đó được định hướng giảm xuống dưới 2% vào năm 2050.

  1. Điện gió ngoài khơi (6 GW)

Giống như khí hóa lỏng nhập khẩu, gió ngoài khơi cũng là một nguồn phát điện mới chưa có vào năm 2020 nhưng dự kiến chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nguồn điện năm 2030. Theo quy hoạch, sẽ có 6 GW điện gió ngoài khơi khi đó, chiếm 4% tổng công suất phát điện.

Loại năng lượng này được định hướng phát triển mạnh sau năm 2050, với mục tiêu tăng công suất lên 70-91,5 GW đến năm 2030, chiếm 14,3-16% tổng công suất phát điện.