VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Số đơn hàng mới cho ngành sản xuất Việt Nam giảm sâu nhất 20 tháng

Số đơn hàng mới cho ngành sản xuất Việt Nam giảm sâu nhất 20 tháng

16:01 - 01/06/2023

Nhu cầu thấp khiến chỉ số PMI ngành sản xuất giảm xuống 45,3 trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam thu hẹp mạnh hơn trong tháng 5 khi tình hình nhu cầu một lần nữa xấu đi, theo báo cáo mới nhất của S&P Global. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm mạnh hơn. Điều đó khiến các doanh nghiệp cắt giảm việc làm và mua hàng đầu vào. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tiếp tục suy yếu.

Để cố gắng kích thích nhu cầu, các doanh nghiệp giảm thêm giá bán hàng của mình. Việc giá hàng đầu vào giảm lần đầu tiên trong 3 năm giúp họ có dư địa để thực hiện điều này.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất giảm xuống 45,3 trong tháng 5 từ mức 46,7 trong tháng 4, báo hiệu điều kiện kinh doanh xấu đi trong tháng thứ ba liên tiếp. PMI tháng 5 thấp nhất kể từ tháng 9/2021 – thời điểm phong tỏa nghiêm ngặt trong đại dịch.

Có rất nhiều doanh nghiệp cho biết nhu cầu khách hàng yếu. Tác động của điều này thể hiện rõ nhất qua số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong 20 tháng qua. Đối với các thị trường xuất khẩu, số đơn hàng giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Với số đơn hàng mới tiếp tục giảm, các doanh nghiệp cũng giảm sản lượng trong tháng. Sản lượng đã giảm 3 tháng liên tiếp và tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 1. Sản lượng giảm ở cả ba loại sản phẩm chính (nguyên liệu thô, hàng trung gian và thành phẩm), với mức giảm mạnh nhất đến từ các doanh nghiệp sản xuất hàng trung gian.

Nhu cầu yếu khiến niềm tin kinh doanh bị ảnh hưởng thêm và giảm tháng thứ 3 liên tiếp xuống mức kém nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Sự lạc quan ít ỏi còn lại hầu hết đến từ hy vọng rằng sắp có đợt phục hồi trong những tháng tới.

Một số doanh nghiệp phản ứng với số đơn hàng thấp hơn bằng cách giảm biên chế. Điều này – cùng với một số nhân viên bỏ việc – khiến số việc làm giảm trong tháng 5, mặc dù mức giảm thấp hơn so với giai đoạn khảo sát trước đó.

Mặc dù các doanh nghiệp đã giảm công suất hoạt động, nhưng họ vẫn có thể giải quyết đáng kể lượng công việc tồn đọng trong tháng 5. Lượng công việc chưa thực hiện giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2021.

Các nhà sản xuất giảm mua hàng đầu vào rõ rệt, kéo dài chuỗi giảm hiện tại lên 3 tháng. Theo đó, tồn kho hàng đầu vào cũng ít đi và mức giảm là lớn nhất trong gần 2 năm.

Tồn kho thành phẩm cũng giảm lần đầu tiên trong 3 tháng khi các doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng theo số đơn hàng mới thấp hơn.

Nhu cầu đầu vào đi xuống liên tục đồng nghĩa với việc giảm áp lực lên chuỗi cung ứng. Do đó, hiệu suất của nhà cung cấp được cải thiện trong tháng thứ 5 liên tiếp, với mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2015.

Nhu cầu giảm cũng khiến các nhà cung cấp hạ giá. Nhờ đó, chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên sau 3 năm. Việc hạ giá đầu vào tạo ra dư địa để các doanh nghiệp giảm chi phí của mình trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu. Giá bán đầu ra giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp và với tốc độ tương tự như giai đoạn khảo sát trước.

“Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 là một nguyên nhân gây lo ngại vì nó gợi ý rằng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có thể đang trong thời kỳ suy thoái kéo dài chứ không phải là giai đoạn giảm tạm thời. Các doanh nghiệp phản ứng bằng cách giảm sản lượng và giảm quy mô cả việc làm cũng như mua hàng đầu vào”, theo Andrew Harker – Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence.

“Nhu cầu hàng đầu vào kém đi giúp giảm bớt áp lực kéo dài về năng lực trong chuỗi cung ứng, do đó thời gian giao hàng ngắn hơn và chi phí đầu vào giảm … Mặc dù niềm tin tiếp tục giảm sút trong tháng 5, nhưng vẫn có một số hy vọng rằng sự phục hồi sẽ diễn ra trong những tháng tới. Do đó, dữ liệu sắp tới đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra bất kỳ tín hiệu cải thiện nào”.