VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Trung Quốc phục hồi chậm, ảnh hưởng đến ngành sản xuất châu Á

Trung Quốc phục hồi chậm, ảnh hưởng đến ngành sản xuất châu Á

08:07 - 02/06/2023

Sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gây tác động tiêu cực đến ngành sản xuất ở các nước châu Á khác bao gồm Việt Nam.

Các nhà máy sản xuất ở Việt Nam và những nước châu Á khác tiếp tục ghi nhận nhu cầu giảm trong tháng 5, khi sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc càng đè nặng lên ngành sản xuất khu vực – vốn đã chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái thương mại toàn cầu.

Theo dữ liệu do S&P Global công bố ngày 1/6, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Chỉ số này của cường quốc xuất khẩu Đài Loan cũng giảm xuống 44,3 điểm từ 47,1 điểm tháng trước. PMI ngành sản xuất của Hàn Quốc tăng nhẹ trong tháng 5 nhưng vẫn kém xa mốc 50 điểm – mốc phân chia giữa mở rộng và thu hẹp.

Số đơn đặt hàng mới và sản lượng giảm ở hầu hết các nước châu Á, với Nhật Bản là một ngoại lệ hiếm hoi khi PMI nước này lần đầu tiên đạt trên 50 kể từ tháng 10/2022.

Ngành sản xuất châu Á vốn đã chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái thương mại toàn cầu.

Ngành sản xuất châu Á vốn đã chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái thương mại toàn cầu.

Dữ liệu này cho thấy tác động của bức tranh kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc – nơi ngành sản xuất cũng giảm sút trong tháng 5 trong khi ngành dịch vụ tăng trưởng chậm lại. Không những không thu được lợi ích từ việc tái mở cửa của nền kinh tế số hai thế giới, có vẻ như phần lớn các nước trong khu vực đang chịu tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế yếu của Trung Quốc.

Theo Annabel Fiddes – phó giám đốc kinh tế của S&P Global Market Intelligence – cho biết: “Nhu cầu của khách hàng thấp hơn tại các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc đại lục, Châu Âu và Mỹ tiếp tục là lực cản đối với hoạt động của ngành”. Bà nói rằng dữ liệu nhiều khả năng báo hiệu thành tích kinh tế kém trong quý II.

Những dữ liệu về hoạt động sản xuất ở châu Á được công bố sau khi báo cáo ngày 30/5 cho thấy PMI sản xuất tháng 5 của Trung Quốc giảm xuống 48,8 điểm từ 49,2 điểm trong tháng 4. Theo Cục Thống kê Quốc gia, nền tảng cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa vững chắc.

Trong khi ngành sản xuất ở phía bắc châu Á khó khăn, thì ngành sản xuất ở phía nam lại ghi nhận dữ liệu trái chiều. Thái Lan – nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á – ghi nhận tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ và hoạt động kinh doanh cải thiện mặc dù niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng.

PMI sản xuất của Philippines tăng từ 51,4 điểm trong tháng 4 lên 52,2 điểm trong tháng 5. Ngược lại, thước đo của Malaysia giảm xuống 47,8 điểm từ 48,8 điểm trong tháng 4.