VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tình hình kinh doanh của các thương hiệu điều hòa ở Việt Nam

Tình hình kinh doanh của các thương hiệu điều hòa ở Việt Nam

09:55 - 07/06/2023

Panasonic, Daikin và Casper là 3 thương hiệu điều hòa phổ biến nhất ở Việt Nam. Xếp dưới là những thương hiệu nước ngoài như Toshiba, Sharp và thương hiệu trong nước như REE, Hòa Phát, Nagakawa.

Với dân số 100 triệu người và khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn cho điều hòa không khí. Thu nhập cao hơn của người dân trong những năm gần đây làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu cho sản phẩm này. Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2021, thị trường điều hòa Việt Nam tăng trưởng 85%. Dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều khi ước tính mới chỉ có 1/4 số hộ gia đình Việt sở hữu điều hòa.

Quy mô thị trường này được dự báo đạt 2,4 tỷ USD. Hiện tại, thị trường đã thu hút sự tham gia của những thương hiệu quốc tế gồm Samsung, Panasonic, Casper, Daikin, LG, Toshiba, Sharp … và những thương hiệu trong nước như REE, Hòa Phát hay Nagakawa. Nhu cầu tiêu dùng và quy mô thị trường ngày càng tăng tạo ra cuộc cạnh tranh giành thị phần của các thương hiệu trong và ngoài nước.

Panasonic là thương hiệu thường đứng đầu về thị phần ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo thông tin trên trang web, thương hiệu Nhật Bản này đã hiện diện tại Việt Nam từ những năm 1950 và chính thức có mặt từ năm 1971 với nhà máy sản xuất đầu tiên.

Không chỉ nổi tiếng với điều hòa, Panasonic còn bán nhiều sản phẩm khác ở Việt Nam như tủ lạnh, tivi, máy giặt … Doanh thu trong hai năm 2019 và 2020 của công ty đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, phần lớn trong đó được cho là đến từ điều hòa.

Năm 2019, Panasonic Việt Nam mang về khoản lãi sau thuế lên tới 1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến năm 2020, lợi nhuận của công ty giảm xuống còn gần 850 tỷ đồng.

Panasonic là thương hiệu thường đứng đầu về thị phần ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Panasonic là thương hiệu thường đứng đầu về thị phần ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Daikin – một thương hiệu khác cũng đến từ Nhật Bản – là nhà sản xuất điều hòa lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, năm 2020, Daikin mang về tổng doanh thu gần 9,5 nghìn tỷ đồng, phần lớn trong đó đến từ điều hòa. Tuy nhiên, thương hiệu này cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đại dịch khi doanh thu năm 2020 giảm so với năm 2019. Lợi nhuận cũng giảm một nửa từ mức 450 tỷ đồng của năm 2019.

Casper là thương hiệu đa quốc gia với chi nhánh và mạng lưới phân phối tại nhiều thị trường Đông Nam Á. Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2016, Casper nhanh chóng phát triển nhờ giá bán cạnh tranh và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong ngành điện tử, điện lạnh và điện gia dụng. Kể từ năm 2019, Casper đã trở thành một trong 3 thương hiệu quốc tế có thị phần lớn nhất trong ngành điều hòa không khí Việt Nam, cùng với Panasonic và Daikin.

Casper Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Giai đoạn từ 2017 đến 2021, doanh thu của thương hiệu này liên tục tăng, từ 280 tỷ đồng năm 2017 lên gần 6 nghìn tỷ đồng năm 2021. Cũng trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Casper đạt gần 90 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với năm 2017. Nhưng thương hiệu này báo lỗ 467 tỷ đồng trong năm 2022 vì nhu cầu điện máy suy giảm.

Ngoài Panasonic, Daikin và Casper, các thương hiệu quốc tế khác như Toshiba, Sharp hay Electrolux cũng có thị phần nhất định. Doanh thu của các thương hiệu này (tổng doanh thu bao gồm mảng điều hòa) đạt khoảng từ 2,5 đến 5 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Chưa cạnh tranh được với top 3 thương hiệu quốc tế, nhưng các thương hiệu nội địa đang bắt kịp với các nhà sản xuất ở nhóm dưới.

Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh REE là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ điện lạnh, một trong hai công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). REE kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gồm năng lượng, nước sạch, bất động sản, điện lạnh và điều hòa không khí.

Năm 2020, trong mảng cơ điện lạnh, REE ghi nhận doanh thu gần 3,5 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 62% tổng doanh thu công ty. Đến năm 2021, mảng cơ điện lạnh có doanh thu giảm gần một nửa, chỉ đạt 1,9 tỷ đồng. Tỷ trọng của mảng này trong tổng doanh thu hợp nhất của REE cũng giảm từ 62% xuống chỉ còn 31%.

Thị trường điều hòa Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Thị trường điều hòa Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Tập đoàn Hòa Phát – nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam – đang nỗ lực mở rộng ra ngoài mảng kinh doanh cốt lõi. Hòa Phát đầu tư vào mảng điện máy thông qua Công ty cổ phần Điện gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Doanh thu của điện lạnh Hòa Phát những năm gần đây đạt khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Dù doanh thu khá thấp so với các thương hiệu khác nhưng điện lạnh Hòa Phát vẫn đạt hơn 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Một thương hiệu nội địa khác là Nagakawa cũng đạt tổng doanh thu gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2022. Đây là mức doanh thu kỷ lục của công ty và tăng trưởng 29% so với năm 2021. Từ năm 2018 đến năm 2022, doanh thu của Nagakawa tăng 149%, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 26%.

Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Nagakawa tương đối thấp so với doanh thu, khi chỉ đạt 23,5 tỷ đồng trong năm 2022 vì chi phí hàng bán cao, chiếm gần 90% doanh thu.