VNReport»Kinh tế»Kinh tế Việt Nam tiến bộ nhất Đông Nam Á

Kinh tế Việt Nam tiến bộ nhất Đông Nam Á

16:49 - 15/03/2021

Chuyên gia kinh tế Philippines cho rằng tổn thất của Việt Nam trong quá khứ không ngăn được quốc gia này vượt Philippines về thu nhập bình quân đầu người.

Chuyên gia kinh tế Philippines cho rằng tổn thất của Việt Nam trong quá khứ không ngăn được quốc gia này vượt Philippines về thu nhập bình quân đầu người.

Theo tờ Philstar (Philippines), Việt Nam, Campuchia và Myanmar sẽ sớm vượt qua nền kinh tế của Philippines nếu quốc gia này không nhanh chóng mở cửa nền kinh tế để thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong bài phát biểu có tiêu đề “Philippines và Việt Nam: Câu chuyện của hai quốc gia”, nghị sĩ – chuyên gia kinh tế Joey Salceda nhấn mạnh: “Việt Nam vượt qua Philippines về FDI từ năm 1990, chỉ ba năm sau cuộc đổi mới của Philippines năm 1987”.

Ông Salceda nhấn mạnh tổn thất của Việt Nam trong quá khứ không ngăn được quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế tiến bộ nhất khu vực Đông Nam Á, thậm chí vượt Philippines về thu nhập bình quân đầu người.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

“Việt Nam rất thành công trong việc thu hút vốn FDI nhờ những chính sách mở cửa thị trường. Đây chính là động lực thúc đẩy trong thập kỷ tới. Từ năm nay, GDP bình quân đầu người Việt Nam sẽ vượt Philippines. Đồng nghĩa với việc người Việt Nam sẽ giàu hơn người Philippines”, nghị sĩ Salceda cho hay.

Trong quá khứ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam chạm mốc 3.500 USD, trong khi con số tương ứng ở Philippines sẽ là 3.372 USD.

Dự báo của IMF cũng đồng nghĩa Việt Nam được kỳ vọng xếp thứ 6 về GDP bình quân đầu người trong khu vực ASEAN, sau Singapore (58.483,9 USD), Brunei (23.116,7 USD), Malaysia (10.192,4 USD), Thái Lan (7.295,1 USD) và Indonesia (4.038,4 USD).

Ông Salceda nói thêm, thời gian tới sẽ không chỉ có Việt Nam, mà còn Campuchia và Myanmar cũng sẽ vượt Philippines. Ngoài ra, ông cũng nhận định vấn đề cấp bách hiện nay là mở cửa nền kinh tế, bởi tình trạng của Philippines đang ở mức “kém phát triển”.

“Thách thức hiện nay là mức độ mở cửa thị trường của Philippines còn rất nhỏ so với Việt Nam. Khi có nhiều cánh cửa mở ra, cơ hội cũng sẽ nhiều hơn. Nếu không có sự cạnh tranh của các tập đoàn nước ngoài, sẽ không có động lực để tập đoàn trong nước phát triển”, ông Salceda khẳng định rằng Philippines đang bị tụt hậu so với các quốc gia láng giềng châu Á về vốn FDI.

Thứ trưởng Hạ viện và Dân biểu Marikina, bà Stella Luz Quimbo cũng cho biết, thực tế Philippines bị hầu hết quốc gia khu vực châu Á vượt qua vào năm 2019, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Singapore – quốc gia đứng đầu thế giới về FDI trong nhiều ngành công nghiệp.