VNReport»Top»10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023

10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023

08:34 - 24/06/2023

Danh sách 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023 được xây dựng dựa trên kết quả tài chính, uy tín truyền thông và khảo sát.

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023. Bảng xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí gồm năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông và khảo sát các đối tượng liên quan.

So với danh sách năm 2022, không có cái tên nào mới lọt vào top 10 năm nay. Ba vị trí dẫn đầu không đổi, lần lượt thuộc về Vietcombank, VietinBank và Techcombank. Chỉ có BIDV và Agribank thăng hạng.

  1. Vietcombank

Với tài sản lớn thứ 3 hệ thống, cùng với lợi nhuận và giá trị vốn hóa đứng đầu, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được đánh giá cao nhất về năng lực tài chính. Ngân hàng này cũng đứng đầu về uy tín truyền thông và khảo sát.

Thành lập từ năm 1963, Vietcombank là ngân hàng hàng đầu về xử lý các giao dịch thương mại quốc tế và quản lý ngoại tệ. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vietcombank đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, gấp rưỡi Techcombank ở vị trí thứ hai.

  1. VietinBank

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) được thành lập năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, VietinBank cho biết ngân hàng có 155 chi nhánh ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và gần 1.000 phòng giao dịch. VietinBank cũng có chi nhánh tại Đức, văn phòng đại diện tại Myanmar và ngân hàng con tại Lào.

Điểm năng lực tài chính của VietinBank không quá cao khi ngân hàng này kém hơn 3 ngân hàng quốc doanh còn lại về tổng tài sản và chỉ xếp thứ 6 trong hệ thống về lợi nhuận trong năm 2022. Nhưng VietinBank nhận điểm số cao chỉ sau Vietcombank ở các hạng mục truyền thông và khảo sát.

  1. Techcombank

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) được thành lập vào năm 1993 bởi một nhóm Việt kiều trở về từ Đông Âu và Liên Xô. Sau 30 năm xây dựng, Techcombank hiện là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Năm 2022, Techcombank ghi nhận lợi nhuận lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank.

Điều đó lý giải vì sao năng lực tài chính của Techcombank được đánh giá rất cao. Các hạng mục khác có điểm số thấp hơn, đặc biệt là uy tín truyền thông.

  1. BIDV

Mặc dù có tổng giá trị tài sản lớn nhất hệ thống, đạt 2,12 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2022, nhưng điểm số năng lực tài chính của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nằm trong nhóm giữa của top 10. Uy tín truyền thông của ngân hàng khá cao, và kết quả khảo sát ở mức vừa phải.

Được thành lập từ năm 1957 với tên gọi “Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam”, BIDV là một trong những ngân hàng lâu đời nhất đang hoạt động ở nước ta. BIDV cho biết có hệ thống gồm 190 chi nhánh, 870 phòng giao dịch và 57.825 ATM và POS. Ngân hàng có tổng cộng 25.000 cán bộ, nhân viên.

  1. MB

Ngoài nhóm “Big 4”, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đứng đầu về tổng tài sản (tính đến cuối năm 2022) và đứng thứ hai về lợi nhuận trước thuế (năm 2022). Nhờ các chỉ số tài chính tăng trưởng mạnh trong năm 2022, năng lực tài chính của MB được đánh giá cao thứ 3 chỉ sau Vietcombank và VietinBank. Ngược lại, uy tín truyền thông của ngân hàng này thấp nhất trong top 10.

MB được thành lập năm 1994, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Hệ thống của ngân hàng hiện bao gồm hơn 284 chi nhánh và phòng giao dịch ở 53 tỉnh, thành phố trên cả nước.

  1. VPBank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là ngân hàng tư nhân có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, tính đến ngày 21/6. Tổng tài sản (tính đến cuối năm 2022) và lợi nhuận trước thuế (năm 2022) của ngân hàng này lần lượt đứng thứ 4 và thứ 3 trong khối tư nhân. Do đó, năng lực tài chính của VPBank bị đánh giá thấp hơn Techcombank và MB.

Uy tín truyền thông của VPBank nằm trong nhóm dưới của top 10, và ngân hàng đứng thứ 6 về kết quả khảo sát.

  1. ACB

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được đánh giá khá tốt về năng lực tài chính với giá trị tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế năm 2022 lần lượt tăng 15% và 43% so với năm 2021. Điểm uy tín truyền thông của ACB khá tốt. Ở hạng mục khảo sát, ACB đứng thứ 7 với khoảng cách khá xa so với top 6.

Thành lập vào năm 1993, ACB hiện có mạng lưới gồm 384 chi nhánh và phòng giao dịch, 11.000 máy ATM và 850 đại lý Western Union trên toàn quốc.

  1. Agribank

Mặc dù là một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bị đánh giá rất thấp trong kết quả khảo sát. Bù lại, năng lực tài chính và uy tín truyền thông của Agribank ở mức khá.

Đây là ngân hàng có giá trị tổng tài sản lớn thứ hai hệ thống tín đến cuối năm 2022. Agribank cũng có mạng lưới ngân hàng lớn nhất Việt Nam với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch ở toàn bộ 63 tỉnh, thành và có mặt tại 9/13 huyện đảo.

  1. TPBank

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) xếp cuối danh sách này về năng lực tài chính, khi ngân hàng này không lọt top 10 tính theo tổng tài sản đến cuối năm 2022 hay lợi nhuận trước thuế năm 2022. Nhưng uy tín truyền thông và kết quả khảo sát của TPBank tốt hơn.

Khai trương vào năm 2018, sau 15 năm hoạt động, TPBank cho biết có hơn 120 chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn quốc tính đến hết năm 2022.

  1. VIB

Trong danh sách này, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) không đứng cuối ở bất kỳ hạng mục nào: năng lực tài chính được đánh giá cao hơn TPBank, uy tín truyền thông hơn MB và kết quả khảo sát hơn Agribank. Nhưng tổng hợp cả 3 tiêu chí, VIB chỉ đứng thứ 10.

VIB thành lập năm 1996, hiện có hơn 10.000 nhân viên, làm việc tại 178 chi nhánh và phòng giao dịch ở 28 địa phương trên cả nước.