VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Fitch Ratings: Bất động sản ít gây rủi ro hơn cho tài chính công của Việt Nam

Fitch Ratings: Bất động sản ít gây rủi ro hơn cho tài chính công của Việt Nam

08:18 - 20/07/2023

Lãi suất hạ trong năm 2023 và áp lực pháp lý giảm bớt khiến lĩnh vực bất động sản khó gây rủi ro hơn cho bảng cân đối tài chính của Chính phủ.

Nguy cơ Chính phủ gánh nợ từ lĩnh vực bất động sản đã giảm xuống, theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro bao gồm chậm triển khai chính sách và giảm vùng đệm dự phòng trước những cú sốc bên ngoài.

Theo Fitch, Chính phủ khởi động chiến dịch thắt chặt lĩnh vực bất động sản, tập trung vào nguồn vốn của các doanh nghiệp phát triển bất động sản, từ năm 2022. Quy định phát hành trái phiếu bị siết chặt hơn và 2 lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong ngành bị bắt. Fitch nhận định rằng cam kết của cơ quan chức năng trong việc giải quyết bong bóng tài chính bất động sản là một yếu tố tích cực cho ổn định tài chính, mặc dù quy định lỏng lẻo nhiều khả năng là một nguyên nhân gây ra các hành vi sai phạm trong giai đoạn 2018-2021.

Rủi ro tín dụng và thanh khoản đối với lĩnh vực bất động sản và ngân hàng tăng lên trong năm 2022. Tuy nhiên, Fitch tin rằng với lãi suất giảm trở lại, căng thẳng bất động sản đã qua đỉnh và khả năng nó ảnh hưởng đến bảng cân đối tài chính công thấp hơn.

Chiến dịch siết chặt pháp lý với bất động sản cùng lúc với đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tỷ giá USD/VND đối mặt với áp lực tăng đáng kể khi đồng tiền của Mỹ tăng giá nhanh trong nửa cuối năm 2022. Theo Fitch, điều này, cùng với căng thẳng bất động sản, khiến lãi suất trong nước tăng mạnh trong năm 2022, đẩy rủi ro đối với ổn định tài chính của Việt Nam lên cao hơn. Tuy nhiên, lãi suất đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023.

Công cụ chính sách tiền tệ chính của Việt Nam vẫn là hạn ngạch tăng trưởng tín dụng mà NHNN quy định đối với các ngân hàng thương mại. Bất chấp việc hạn chế cấp vốn cho các nhà phát triển bất động sản, mục tiêu tăng trưởng tín dụng tổng thể cho năm 2023 vẫn ở mức hào phóng là 14%. Tăng trưởng tín dụng nhanh, kết hợp với tốc độ tăng GDP danh nghĩa chậm hơn trong đại dịch Covid-19, góp phần làm tỷ lệ tín dụng/GDP tăng rất nhanh kể từ năm 2019, làm gia tăng rủi ro ổn định vĩ mô trong một nền kinh tế vốn đã sử dụng đòn bẩy cao. Tài sản của khu vực tài chính vào khoảng 190% GDP vào cuối năm 2022.

Trong năm 2022, Việt Nam sử dụng nhiều dự trữ ngoại hối, được cho là để đối phó với áp lực giảm giá tiền đồng. Dự trữ giảm từ mức đỉnh 112,2 tỷ USD vào tháng 1/2022 xuống còn 85,9 tỷ USD vào tháng 11/2022, trước khi phục hồi nhẹ trong đầu năm 2023.

Theo Fitch, bản thân việc sử dụng dự trữ ngoại hội để làm dịu biến động thị trường không phải là vấn đề. Tuy nhiên, họ coi dự trữ ngoại hối là một biện pháp bảo vệ quan trọng trước rủi ro do các cú sốc bên ngoài gây ra đối với những nền kinh tế thiên về xuất khẩu đang phát triển nhanh như Việt Nam. Động thái này làm xói mòn bộ đệm dự trữ của Việt Nam, vốn đã nhỏ: bằng trung bình khoảng 3 tháng nhập khẩu trong giai đoạn 2018-2022.