VNReport»Top»10 doanh nghiệp niêm yết lãi lớn nhất nửa đầu năm 2023

10 doanh nghiệp niêm yết lãi lớn nhất nửa đầu năm 2023

12:57 - 04/08/2023

Các ngân hàng vẫn chiếm đa số top lợi nhuận, nhưng đứng đầu sau 6 tháng là Vinhomes nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Ocean Park 2.

  1. Vinhomes (27.607 tỷ đồng)

Vinhomes vượt qua hàng loạt các ngân hàng lớn để trở thành doanh nghiệp niêm yết có lãi lớn nhất nửa đầu năm nay, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 27.607 tỷ đồng.

Mưc lãi trên gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, khi nhà phát triển bất động sản này đạt lợi nhuận trước thuế 7.245 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của Vinhomes cũng tăng 4,6 lần so với cùng kỳ nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Ocean Park 2, công ty cho biết.

  1. Vietcombank (20.499 tỷ đồng)

Không có gì bất ngờ khi Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lãi lớn nhất ở Việt Nam, thu về 20.499 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.

Các mảng kinh doanh chính của Vietcombank đều tăng trưởng. Nợ xấu tính đến cuối tháng 6 tăng 25% so với cuối năm ngoái, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn ở nhóm thấp trong ngành.

  1. BIDV (13.862 tỷ đồng)

BIDV báo cáo lợi nhuận trước thuế 13.862 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng trưởng cao dù thu nhập lãi thuần của BIDV giảm hơn 5%, khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro giảm gần 30% so với cùng kỳ.

Nợ xấu của ngân hàng này tăng hơn 47% trong 6 tháng đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 1,16% cuối năm 2022 lên 1,59% cuối tháng 6/2023. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 217% xuống còn 153%.

  1. MB (12.735 tỷ đồng)

MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2023 tăng trưởng 7% so với cùng kỳ lên 12.735 tỷ đồng, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 13,5%, bù đắp cho sự suy giảm ở các mảng kinh doanh khác.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro giảm 13%, trong khi tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/6 tăng lên so với cuối năm 2022 dù đã giảm so với cuối quý I.

  1. VietinBank (12.531 tỷ đồng)

Lợi nhuận trước thuế của VietinBank tăng trưởng vừa phải, ở mức 8% lên 12.531 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, được thúc đẩy chủ yếu bởi thu nhập lãi thuần tăng trưởng 15%, mặc dù các mảng kinh doanh khác cũng tăng trưởng tốt.

Nợ xấu nội bảng của VietinBank tăng thêm 9,5% trong nửa đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,24% hồi đầu năm lên 1,27% ở mốc giữa năm.

  1. Techcombank (11.272 tỷ đồng)

Trong những năm gần đây, Techcombank thường là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai sau Vietcombank. Nhưng trong nửa đầu năm nay, ngân hàng này tụt xuống vị trí thứ 5 trong ngành ngân hàng, với lợi nhuận sau thuế giảm 20% so với cùng kỳ xuống còn 11.272 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận đi xuống là thu nhập lãi thuần giảm 19%, mà theo ngân hàng là do việc áp dụng chính sách lãi suất linh hoạt nhằm hỗ trợ khách hàng, cũng như môi trường cạnh tranh hơn.

  1. ACB (9.989 tỷ đồng)

ACB báo lãi trước thuế 9.989 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 50% kế hoạch cả năm.

Động lực tăng trưởng đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 28%. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu tăng từ 19% lên 22%, giảm áp lực lên thu nhập từ lãi. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% lên 1,07% trong 6 tháng, nhưng vẫn là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong ngành.

  1. PV Gas (8.266 tỷ đồng)

Sau một năm 2022 bội thu nhờ giá khí đốt tăng cao kỷ lục, kết quả kinh doanh của PV Gas đã giảm 23% trong nửa đầu năm nay. Nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này vẫn đạt 8.266 tỷ đồng, cao thứ hai trong số các doanh nghiệp phi ngân hàng.

PV Gas đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng và thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu. Trong tháng 7, doanh nghiệp này nhận lô khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên đến kho Thị Vải.

  1. Vingroup (7.936 tỷ đồng)

Vingroup báo cáo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 tăng 128% so với cùng kỳ lên mức 7.936 tỷ đồng, với doanh thu thuần tăng trưởng 112%, chủ yếu nhờ đóng góp của Vinhomes.

Doanh thu các mảng khác bao gồm sản xuất, bất động sản đầu tư, du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, … đều tăng trưởng.

  1. SHB (6.072 tỷ đồng)

Lãi trước thuế của SHB tăng nhẹ 5% trong nửa đầu năm nay, lên mức 6.072 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần tăng 18%, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ, từ mua bán chứng khoán đầu tư và từ hoạt động khác đều giảm.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 75%, dù SHB là một trong số ít các ngân hàng có số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm so với hồi đầu năm.