VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nền kinh tế đang “bơi trong dòng xoáy khó khăn”

Nền kinh tế đang “bơi trong dòng xoáy khó khăn”

08:53 - 09/08/2023

Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn Tài chính Việt Nam 2023, các đại biểu cho rằng các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang “bơi trong dòng xoáy khó khăn”, khi tình hình thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp.

Ngày 8/8, Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn Tài chính Việt Nam 2023. Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đang “bơi trong dòng xoáy khó khăn”, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp.

Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản … cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp, TS Lê Xuân Nghĩa nêu ví dụ về một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời vay ngân hàng một khoản tiền lớn với lãi suất ban đầu 17%, sau đó giảm xuống 15% “Với mức lãi suất này, doanh nghiệp đã rất vất vả để cân đối các chi phí tài chính”, TS Nghĩa nói.

Cái khó của doanh nghiệp hiện nay là các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ. Tuy nhiên, theo TS Nghĩa, trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều nước giảm hoặc hoãn yêu cầu về tài sản đảm bảo và chỉ giữ yêu cầu chứng minh khả năng trả nợ.

Ông lấy ví dụ về một doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chay sang châu Âu ghi nhận doanh thu năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái nhưng hạn mức tín dụng không thay đổi. Doanh nghiệp này không vay thêm được nữa vì ngân hàng thẩm định khoản vay trên cả tài sản thế chấp và khả năng trả nợ. Ông cho rằng trong điều kiện khó khăn, ngân hàng thẩm định cho vay cần chú trọng vào hiệu quả trong tương lai, không phải tài sản thế chấp.

Các diễn giả tọa đàm tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn Tài chính Việt Nam 2023.

Các diễn giả tọa đàm tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn Tài chính Việt Nam 2023.

Theo ông Phương, tình hình kinh tế đang có những tín hiệu khả quan hơn, với tháng sau hơn tháng trước, quý sau hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%. Điều này “đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay”.

Thứ trưởng cho biết điều đáng quan ngại hiện nay là hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch, khiến một số phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng.

Các thách thức lớn để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp bao gồm thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, chào bán cổ phiếu … còn khó khăn. Dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 6 chỉ tăng trưởng 4,28% so với đầu năm, chưa bằng một nửa con số 9,44% cùng kỳ năm 2022.

Các đại biểu tham dự diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cuối năm 2023 và cả năm 2024. Những khó khăn đó đến từ cả tình hinh thế giới cũng như những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế. Để nền kinh tế Việt Nam đứng vững và tiếp tục phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn, sức mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp … có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Anh Dương thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng, cần cải thiện cả khả năng tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần mạnh dạn ban hành những quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế mới như fintech, kinh tế tuần hoàn …

Ngoài ra, để thu hút đầu tư, cần xem xét tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào một số lĩnh vực như ngân hàng và phân phối dược phẩm, nâng cao tư duy liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài …