VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể gây hiệu ứng domino

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể gây hiệu ứng domino

08:04 - 15/08/2023

Các nước xuất khẩu gạo khác gồm Thái Lan và Việt Nam có thể cân nhắc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước nếu giá gạo tiếp tục tăng. Điều tương tự từng xảy ra 15 năm trước, đẩy giá gạo lên mức kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến thị trường lo ngại về hành động tương tự của những nước xuất khẩu khác để đảm bảo nguồn cung gạo nội địa.

Theo các nhà phân tích, hạn chế của Ấn Độ gần giống với hành động của nước này vào năm 2007 và 2008. Khi đó, nó gây ra hiệu ứng domino, khiến nhiều quốc gia khác cũng hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Lần này, tác động đối với nguồn cung và giá cả có thể còn sâu rộng hơn, vì Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu so với khoảng 22% 15 năm trước.

“Ấn Độ hiện quan trọng hơn nhiều đối với thương mại gạo so với năm 2007 và 2008. Lệnh cấm của Ấn Độ khi đó buộc các nước xuất khẩu khác phải thực hiện những hạn chế tương tự theo hiệu ứng domino. Ngay cả lúc này, họ có rất ít lựa chọn ngoài việc phản ứng với các tác nhân thị trường”, theo một đại lý gạo có trụ sở tại New Delhi.

Giá của mặt hàng lương thực được con người tiêu thụ nhiều nhất nhanh chóng bị ảnh hưởng, tăng lên cao nhất trong 15 năm sau khi Ấn Độ bất ngờ áp đặt lệnh cấm bán gạo trắng phi-basmati. Năm 2022, New Delhi đã hạn chế nguồn cung gạo tấm chất lượng thấp hơn.

Ấn Độ chiếm tới 40% thương mại gạo toàn cầu.

Ấn Độ chiếm tới 40% thương mại gạo toàn cầu.

Các nhà phân tích và thương nhân cho rằng nguồn cung hạn chế có nguy cơ làm tăng giá gạo và lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi. Các nước nhập khẩu lương thực cũng đang vật lộn với nguồn cung khan hiếm do thời tiết thất thường và gián đoạn vận chuyển qua Biển Đen.

“Thái Lan, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác sẵn sàng đẩy mạnh sản lượng nhằm cố gắng thu hẹp khoảng cách xuất phát từ sự thiếu hụt của Ấn Độ”, theo Nitin Gupta – phó chủ tịch cấp cao của Olam Agri Ấn Độ, một trong những công ty xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

“Tuy nhiên, có hạn chế trong khả năng xuất khẩu dư thừa của họ. Hạn chế này có thể tạo tiền đề cho việc tăng giá từ các nơi khác, gợi nhớ đến đợt tăng giá đáng chú ý mà chúng ta từng chứng kiến trong năm 2007/08”. Năm 2008, giá gạo đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và các nước sản xuất nhỏ khác hạn chế xuất khẩu.

Lần này, các nước xuất khẩu gạo sẽ không thể tăng xuất khẩu quá 3 triệu tấn/năm năm khi họ cố gắng đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh sản lượng dư thừa hạn chế, theo các thương nhân.

Thái Lan, Việt Nam và Pakistan – lần lượt là các nước xuất khẩu lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư thế giới – đều cho biết rất muốn tăng doanh số bán hàng do nhu cầu đối với gạo của họ tăng sau lệnh cấm của Ấn Độ. Nhưng cả Thái Lan và Việt Nam đều nhấn mạnh về việc đảm bảo người tiêu dùng trong nước sẽ không bị tổn thương bởi xuất khẩu tăng lên.

Theo một quan chức của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan, nước này – đang phục hồi sau trận lũ lụt tàn phá năm ngoái – có thể xuất khẩu 4,5 triệu đến 5 triệu tấn gạo từ mức 3,6 triệu tấn của năm hiện tại. Tuy nhiên, Pakistan khó có thể cho phép xuất khẩu không hạn chế trong bối cảnh lạm phát hai chữ số.

Giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 20% kể từ lệnh cấm của Ấn Độ. Theo các thương nhân tại các công ty thương mại quốc tế, nếu giá tăng thêm 15%, Thái Lan và Việt Nam có thể đưa ra những hạn chế. “Câu hỏi không phải là liệu họ có hạn chế xuất khẩu hay không, mà là họ sẽ hạn chế bao nhiêu và khi nào họ sẽ thực hiện những biện pháp đó”, theo một thương nhân có trụ sở tại New Delhi.

Tuần này, giá gạo ở Thái Lan và Việt Nam đều lên mức cao nhất trong 15 năm do người mua đổ xô tìm kiếm gạo để bù đắp cho khoảng trống mà Ấn Độ để lại.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người, và gần 90% sản lượng toàn cầu được sản xuất ở châu Á, nơi mà thời tiết khô hạn liên quan đến El Nino đe dọa mùa màng ở các nước sản xuất chính.

Sau khi ghi nhận lượng mưa dưới mức bình thường trong tháng 6 và tháng 7, Thái Lan đã khuyến cáo nông dân hạn chế diện tích trồng lúa vụ thứ hai. Ở Ấn Độ, lượng mưa gió mùa phân bố thất thường dẫn đến lũ lụt ở một số bang trồng lúa phía bắc, ngay cả khi một số bang phía đông thiếu mưa để bắt đầu gieo trồng.

B.V. Krishna Rao – chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ – cho biết lượng mưa tốt là điều kiện cần thiết để sản xuất bình thường. Điều này sẽ cho phép New Delhi đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu gạo. Theo ông, chỉ có nguồn cung của Ấn Độ mới khôi phục được sự cân bằng trên thị trường gạo toàn cầu.

“Chúng ta sẽ phải xem các hạn chế Ấn Độ kéo dài bao lâu. Lệnh cấm càng kéo dài thì càng khó cho các nước xuất khẩu khác bù đắp cho sự thiếu hụt”, theo Peter Clubb, nhà phân tích tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ở London.