VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Liên danh Vietur trúng thầu gói 35.000 tỷ đồng dự án sân bay Long Thành

Liên danh Vietur trúng thầu gói 35.000 tỷ đồng dự án sân bay Long Thành

11:03 - 25/08/2023

Liên danh dẫn đầu bởi IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua vòng thẩm định tài chính. Trước đó, Vietur là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành.

Liên danh Vietur – do một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu – trúng thầu gói 5.10 của dự án sân bay Long Thành về “thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách”, sau khi vượt qua vòng xem xét năng lực tài chính, theo thông báo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Trước đó, Vietur là liên danh duy nhất trong số 3 liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc giai đoạn 1 của dự án sân bay ở TP HCM. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án.

Vietur dẫn đầu bởi IC Istas (thuộc tập đoàn IC Holdings của Thổ Nhĩ Kỳ). Các thành viên khác bao gồm 3 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương: Ricons, Newtecons và Sol E&C. Ngoài ra còn có Vinaconex, ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee và Hancorp.

Gói thầu 5.10 là gói thầu có giá trị lớn nhất trong dự án sân bay Long Thành.

Gói thầu 5.10 là gói thầu có giá trị lớn nhất trong dự án sân bay Long Thành.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, IC Istas sở hữu một số nhà máy phát điện và đã thi công nhiều công trình lớn như cầu bắc qua eo biển Bosphorus nối châu Á và châu Âu. Công ty này xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, đường lăn và nhiều công trình phụ trợ tại dự án sân bay quốc tế Pulkovo ở Saint Petersburg, Nga. Ngoài ra, IC Istas cũng tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng ở Ả Rập Xê Út, Bulgaria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Công ty này từng vướng vào một vụ kiện với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga, liên quan đến dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2022, phía chủ đầu tư từ Nga quyết định chấm dứt hợp đồng với liên danh giữa IC Istas và công ty Titan-2 của Nga vì các vi phạm về chất lượng và tốc độ công trình.

Một số doanh nghiệp nội như Vinaconex và ATAD cũng có kinh nghiệm xây dựng các gói thầu sân bay.

Đầu tháng này, Vietur vượt qua vòng kỹ thuật của gói thầu 5.10, trong khi 2 đối thủ – liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do tập đoàn China Harbour Engineering của Trung Quốc dẫn đầu và Hoa Lư do doanh nghiệp nội Coteccons dẫn đầu – bị loại.

Liên danh Hoa Lư sau đó khiếu nại về quá trình đấu thầu, cho rằng liên danh Vietur vi phạm quy định về đấu thầu, không đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. ACV phản hồi rằng quá trình đánh giá hồ sơ kỹ thuật của các nhà thầu “kỹ lưỡng, công tâm và trung thực”.

Theo ACV, liên danh Vietur trúng gói thầu 5.10 với giá trúng thầu khoảng 27.814 tỷ đồng và 339 triệu USD. Đây là loại hợp đồng theo giá kết hợp.

Thời gian thực hiện là 1.170 ngày, tương đương 39 tháng, kể cả các ngày lễ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày ký hợp đồng. Lễ ký kết hợp đồng dự kiến diễn ra trong thời gian từ ngày 25/8 đến ngày 30/8.

Để đáp ứng tiến độ dự án sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, ACV đã lấy ý kiến cấp có thẩm quyền lên kế hoạch khởi công gói thầu 5.10 cho sân bay Long Thành và một gói thầu tại sân bay Tân Sơn Nhất.