VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thiếu kỹ sư có thể cản trở ngành bán dẫn Việt Nam phát triển

Thiếu kỹ sư có thể cản trở ngành bán dẫn Việt Nam phát triển

08:26 - 06/09/2023

Theo một ước tính, số kỹ sư phần cứng chip qua đào tạo bằng khoảng 1/10 nhu cầu dự kiến trong 10 năm tới.

Tình trạng thiếu kỹ sư đang nổi lên như một thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam, khi Mỹ muốn thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất chip để phòng ngừa rủi ro nguồn cung liên quan đến Trung Quốc.

Theo các quan chức Nhà Trắng, trong chuyến thăm từ ngày 10/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội, chất bán dẫn sẽ là một trong những tâm điểm. Ông dự kiến sẽ đề nghị hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy sản xuất chip.

Theo nguồn tin của Politico, trong chuyến thăm sắp tới của ông Biden, hai nước sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược. Việc nâng cấp quan hệ này có thể mang đến hàng tỷ USD đầu tư vào ngành bán dẫn của Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia ngành, ngành chip Việt Nam gặp trở ngại lớn do có ít các kỹ sư được đào tạo.

Vũ Tú Thành – đại diện Việt Nam tại Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN – cho biết: “Số lượng kỹ sư phần cứng hiện có thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để hỗ trợ các khoản đầu tư hàng tỷ USD”, bằng khoảng 1/10 nhu cầu dự kiến trong 10 năm tới. Đất nước 100 triệu dân chỉ có 5.000 đến 6.000 kỹ sư phần cứng qua đào tạo cho lĩnh vực chip, so với nhu cầu dự kiến là 20.000 trong 5 năm và 50.000 trong 10 năm, ông Thành cho biết, trích dẫn ước tính từ các doanh nghiệp và kỹ sư.

Mỹ muốn thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất chip để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mỹ muốn thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất chip để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam – cho biết cũng có nguy cơ thiếu nguồn cung kỹ sư phần mềm chip qua đào tạo.

Vị thế thống trị của Trung Quốc

Ngành bán dẫn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn nửa tỷ USD mỗi năm, theo dữ liệu chính thức, và hiện đang tập trung vào khâu sản xuất phụ trợ của chuỗi cung ứng: lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm chip, đồng thời dần mở rộng sang các lĩnh vực như thiết kế. Nhà Trắng chưa nêu rõ phân khúc nào của ngành chip Việt Nam sẽ được ưu tiên, nhưng các giám đốc doanh nghiệp Mỹ chỉ ra rằng khâu phụ trợ là lĩnh vực tăng trưởng quan trọng.

Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong khâu này. Theo Boston Consulting Group, gần 40% hoạt động sản xuất phụ trợ toàn cầu là ở Trung Quốc vào năm 2019, so với chỉ 2% ở Mỹ. 27% khác là ở Đài Loan, nơi Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự và làm dấy lên lo ngại xung đột.

Điều đó khiến cho lắp ráp trở thành một trong những khâu tập trung nhất trong ngành, chỉ sau đúc chip. Không có khâu nào khác mà Bắc Kinh có được vị thế thống trị như vậy, bất chấp việc Intel đã vận hành nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất của mình ở Việt Nam được khoảng 15 năm.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu thể hiện sự quan tâm gia tăng, đối thủ Amkor đang xây dựng gần Hà Nội “một nhà máy lớn hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 7.

Có thể sẽ có thêm đầu tư tư nhân, đặc biệt nếu một phần đáng kể trong khoản trợ cấp 500 triệu USD theo Đạo luật CHIPS của Mỹ dành cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đến Việt Nam. Mỹ cũng có thể để ý đến nguồn cung nguyên liệu làm chip của Việt Nam, đặc biệt là đất hiếm, TS Hùng tại Đại học RMIT cho biết. Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, xếp sau Trung Quốc.

Việt Nam cũng đang xâm nhập vào phân khúc thiết kế chip. Công ty phần mềm thiết kế chip Synopsys của Mỹ có hoạt động ở nước ta, đối thủ Marvell có kế hoạch xây dựng một trung tâm “đẳng cấp thế giới”, và các công ty trong nước đang mở rộng.

Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm từ các nhà sản xuất máy làm chip và đã đặt ra tham vọng xây dựng nhà máy đúc chất bán dẫn đầu tiên vào cuối thập kỷ này.

Các hướng giải quyết

Tuy nhiên, tham vọng bán dẫn có thể vẫn là giấc mơ viển vông nếu tình trạng thiếu lao động có tay nghề không được giải quyết thỏa đáng, khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Malaysia và Ấn Độ.

Các giám đốc Intel từng nhiều lần nói về khó khăn trong việc tìm nhân lực chất lượng cao. Đầu năm nay, công ty được cho là đang cân nhắc tăng gần gấp đôi khoản đầu tư 1,5 tỷ USD ở Việt Nam, nhưng không rõ kế hoạch này thay đổi ra sao sau khi Intel công bố khoản đầu tư khổng lồ ở châu Âu hồi tháng 6.

Một cách giải quyết có thể là nới lỏng quy định cấp giấy phép lao động cho kỹ sư nước ngoài đến khi lực lượng tay nghề cao trong nước đủ lớn. Ông Thành thuộc Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN cho biết giấy phép lao động “rất khó có được nhanh chóng”

Nhưng điều đó đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi luật pháp và thủ tục hành chính. Nhà Trắng cho biết rằng ông Biden dự định thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các chương trình phát triển nguồn nhân lực, có thể bao gồm việc mở rộng nhứng sáng kiến đào tạo hiện có.