VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát tăng lên cao nhất 7 tháng

Lạm phát tăng lên cao nhất 7 tháng

16:22 - 29/09/2023

Giá xăng dầu, học phí và nhà ở tăng đẩy lạm phát tháng 9 lên 3,66%. So với tháng 8, CPI tháng 9 cao hơn 1,08%.

Giá xăng dầu, học phí và nhà ở tăng đẩy lạm phát đi lên trong tháng thứ ba liên tiếp và cao nhất kể từ tháng 2, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc đáng kể so với mức 2,96% trong tháng 8. Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại, sau khi liên tục giảm từ mức đỉnh 3 năm hồi tháng 1.

Diễn biến của giá cả trong tháng 9 còn được thể hiện qua việc CPI tăng 1,08% so với tháng 8. Đây là tốc độ tăng theo tháng cao nhất kể từ đầu năm 2021.

Trong những tháng giữa năm nay, lạm phát được kiềm chế nhờ giá xăng dầu tương đối thấp. Nhưng giá nhiên liệu đã tăng trở lại trong những tháng gần đây khi giá dầu thế giới lên cao hơn do Ả Rập Xê Út và Nga cắt giảm sản lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong tháng 9/2023 cao hơn 5,64% so với tháng 9/2022, với giá xăng A95 tăng 3.010 đồng/lít, xăng E5 tăng 2.410 đồng/lít và dầu diesel tăng 1.060 đồng/lít.

Các mặt hàng khác cũng đóng góp nhiều vào lạm phát trong một năm qua. Ví dụ, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,33% so với tháng 9/2022. Học phí tăng khiến giá cả nhóm giáo dục tăng 7,25%.

Đáng chú ý, toàn bộ mức tăng trong một năm qua của nhóm giáo dục đến trong tháng 9, khi chỉ số giá tăng 8,06% so với tháng 8. Nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận mức tăng học phí trong năm học mới của các trường, từ mẫu non đến đại học và từ công lập đến tư thục.

Trong bối cảnh lạm phát toàn phần đang tăng tốc, một dấu hiệu tốt là lạm phát cơ bản tiếp tục giảm. Cụ thể, CPI cơ bản tháng 9 tăng 3,80% so với cùng kỳ, liên tục giảm từ tháng 1 đến nay.

CPI cơ bản loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục. Nó thường được coi là chỉ báo tốt hơn cho lạm phát trong tương lai.

Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Điều này có thể tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm thêm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mặc dù Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cảnh báo giảm lãi suất không phải là “cây đũa thần” cho nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê ước tính GDP quý III tăng trưởng 5,33%, tăng tốc so với quý trước nhưng tốc độ tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 4,24%, thấp hơn nhiều mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%.