VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lợi nhuận ngân hàng quý III dự báo trái chiều

Lợi nhuận ngân hàng quý III dự báo trái chiều

17:04 - 17/10/2023

Theo bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán SSI, lợi nhuận quý III của các ngân hàng Sacombank, VietinBank, Vietcombank, MB và ACB sẽ tăng trưởng hai con số. Ngược lại, lợi nhuận của VIB, Techcombank, BIDV, MSB, VPBank và TPBank có thể giảm.

Các chuyên gia phân tích dự đoán lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ có diễn biến không đồng đều trong quý III, với một số tiếp tục tăng trưởng hai con số, trong khi một số khác suy giảm mạnh.

Theo ước tính từ bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán SSI, trong quý III, các ngân hàng như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, MB và ACB nhiều khả năng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Sacombank được dự đoán dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý, với lợi nhuận trước thuế 2.400-2.500 tỷ đồng, tăng 57-63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích của SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 8,5%, biên lãi ròng không thay đổi so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ xấu ở khoảng 2%.

Sacombank được dự đoán dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý.

Sacombank được dự đoán dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý.

Trong khi đó, ACB dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng trong quý III, tăng 7-12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng dự báo đạt khoảng 8,5% so với đầu năm.

Các nhà phân tích cho rằng chênh lệch lãi suất huy động và cho vay sẽ khiến biên lãi ròng của ACB thu hẹp trong quý III. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng dự kiến dao động quanh mức 1,1%.

SSI kỳ vọng ACB đạt 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong cả năm 2023, tương đương tốc độ tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, do chi phí dự phòng giảm từ mức cao kỷ lục, lợi nhuận trước thuế của VietinBank sẽ tăng 20-22% trong quý III. Cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng báo cáo trích lập dự phòng rủi ro cao kỷ lục 8.300 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.100 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng của VietinBank đến cuối tháng 9/2023 ước đạt khoảng 11-12% so với cùng kỳ năm ngoái và biên lãi ròng đang đi xuống.

Đối với MB, các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh khoảng 14% so với đầu năm, Biên lãi ròng ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ là những động lực chính giúp lợi nhuận quý III của MB đạt khoảng 7.300-7.500 tỷ đồng, tăng 16-19% so với cùng kỳ năm trước.

Vietcombank được dự báo tiếp tục có quý kinh doanh khả quan khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9.000 tỷ đồng. So với quý trước, lợi nhuận của Vietcombank có thể giảm 4%.

Các nhà phân tích SSI dự đoán tăng trưởng tín dụng của Vietcombank chậm hơn so với các ngân hàng khác, chỉ ở mức 3,6% tính đến cuối tháng 9. SSI cho rằng động lực tăng trưởng chính của ngân hàng vẫn đến từ khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Vietcombank sẽ gặp một số thách thức như biên lãi ròng thu hẹp do tiền gửi tăng 8,3% so với đầu năm trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng. Chất lượng tài sản của Vietcombank được dự báo giảm nhẹ cùng với nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác như VIB, Techcombank, BIDV, MSB, VPBank và TPBank có thể chứng kiến lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận của VPBank và TPBank được dự báo giảm hơn 20% do vấn đề chất lượng tài sản và tốc độ phục hồi biên lãi ròng chậm.

Áp lực giảm biên lãi ròng và chất lượng tài sản tiếp tục trong quý III, ảnh hưởng đến triển vọng của VPBank. Các nhà phân tích cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sẽ đạt 3.300 tỷ đồng trong quý, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tăng trưởng tín dụng 18-20% so với đầu năm nay.

Mặc dù lợi nhuận quý III của VPBank sẽ giảm nhưng SSI đánh giá điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý III của ngân hàng này là kết quả tích cực từ công ty con FE Credit. Theo Phó tổng giám đốc VPBank Phạm Thị Nhung, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng từ đầu năm đến nay đã vượt 20%, cao hơn mức tăng bình quân toàn ngành ngân hàng.

Trong khi đó, lợi nhuận của TPBank giảm trong quý III chủ yếu do mức cơ sở cao của năm ngoái. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến đạt khoảng 1.450-1.600 tỷ đồng, giảm 25-32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lãi ròng sụt giảm và gánh nặng trích lập dự phòng được xem là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của TPBank giảm trong quý III. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt khoảng 7,5% so với đầu năm nay trong khi tăng trưởng huy động dự kiến ở mức 5% so với đầu năm.