VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nợ xấu của Vietcombank tăng 84% sau 9 tháng

Nợ xấu của Vietcombank tăng 84% sau 9 tháng

11:22 - 30/10/2023

Lợi nhuận quý III của Vietcombank tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nhờ giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, với lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng chất lượng tài sản suy giảm đáng kể.

Từ tháng 7 đến tháng 9, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 9.051 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Sau 3 quý, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế 29.550 tỷ đồng, tăng 18% và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.

Lợi nhuận quý vừa qua của Vietcombank tăng trưởng bất chấp thu nhập lãi thuần giảm 8% so với cùng kỳ, xuống còn 12.596 tỷ đồng. Giống như các ngân hàng khác, hoạt động tín dụng của ngân hàng bị ảnh hưởng do chi phí vốn cao hơn. Chi phí lãi và các khoản tương đương tăng hơn 56%, trong khi thu từ lãi chỉ tăng 17%.

Trong bối cảnh đó, lý do chính giúp Vietcombank tăng lợi nhuận đến từ việc giảm chi phí hoạt động và chỉ phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý III, hai loại chi phí này giảm lần lượt 18% và 46% so với cùng kỳ, giúp Vietcombank tiết kiệm 2.331 tỷ đồng chi phí.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 6% so với cùng kỳ lên 40.820 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 22% xuống còn 6.052 tỷ đồng.

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 43.000 tỷ đồng, Vietcombank đã hoàn thành 69% sau 9 tháng.

Vietcombank giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dù nợ xấu của họ đang tăng mạnh. Tính đến hết ngày 30/9, tổng nợ xấu của ngân hàng là 14.394 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ gấp 7 lần hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,68% lên 1,21% sau 9 tháng.

Tổng tài sản tính đến hết ngày 30/9 giảm 5% so với đầu năm xuống còn hơn 1,73 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 12% xuống 363.661 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 68% xuống còn 29.312 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 4% lên 1,19 triệu tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giảm 96% còn 2.517 tỷ đồng do không còn ghi nhận tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước bằng VND có kỳ hạn. Tiền vay các tổ chức tín dụng khác giảm 50% còn 5.159 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8% lên gần 1,35 triệu tỷ đồng.