VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế thế giới đang tách thành hai nửa, xoay quanh Mỹ và Trung Quốc

Kinh tế thế giới đang tách thành hai nửa, xoay quanh Mỹ và Trung Quốc

11:33 - 06/11/2023

Các luồng thương mại và đầu tư đang tạo nên mô hình mới được xây dựng xung quanh hai trung tâm cạnh tranh.

Năm ngoái, Trung Quốc vượt qua một cột mốc quan trọng: Lần đầu tiên kể từ khi mở cửa nền kinh tế hơn 40 năm trước, nước này giao dịch thương mại với các nước đang phát triển nhiều hơn so với Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cộng lại. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc và phương Tây đang đi theo các hướng khác nhau khi căng thẳng gia tăng về thương mại, công nghệ, an ninh và những vấn đề gai góc khác.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các nước phương Tây tìm cách biến Trung Quốc thành một đối tác và khách hàng trong một nền kinh tế toàn cầu duy nhất do các nước giàu dẫn đầu. Nhưng các luồng thương mại và đầu tư đang tạo nên mô hình mới được xây dựng xung quanh hai trung tâm cạnh tranh.

Trong nền kinh tế thế giới ngày càng chia rẽ, Washington tiếp tục tăng sức nóng lên Trung Quốc bằng các biện pháp hạn chế đầu tư và cấm xuất khẩu, trong khi Trung Quốc chuyển hướng nền kinh tế của mình xa ra phương Tây và hướng tới các nước đang phát triển.

Lợi ích cho Mỹ và châu Âu bao gồm ít phụ thuộc hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và nhiều việc làm hơn cho người lao động trong nước. Nhưng vẫn có những rủi ro lớn như tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Nhiều nhà kinh tế lo ngại tổn thất mà cả phương Tây và Trung Quốc phải gánh chịu sẽ lớn hơn lợi ích.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dồn lực để tách rời nền kinh tế của nhau.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dồn lực để tách rời nền kinh tế của nhau.

Các chiến lược ngày càng khó đảo ngược hơn khi cả hai bên đều dồn thêm nguồn lực để thực hiện.

Các nhà máy Trung Quốc đang thay thế hóa chất, linh kiện và máy móc của phương Tây bằng những sản phẩm trong nước hoặc có nguồn gốc từ các nước đang phát triển. Thương mại của Trung Quốc với Đông Nam Á vượt thương mại với Mỹ vào năm 2019. Trung Quốc đang giao dịch thương mại với Nga nhiều hơn với Đức, và thương mại với Brazil cũng sắp vượt với Đức.

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc hiện chủ yếu hướng tới những nơi giàu tài nguyên như Indonesia hay Trung Đông, thay vì tới Mỹ.

Các công ty lớn của phương Tây như Apple, Stellantis và HP đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Các công ty tài chính như Sequoia Capital đã chuyển sang hạn chế hoặc khoanh vùng hoạt động của họ tại Trung Quốc.

Hơn 1/3 doanh nghiệp Mỹ được Hội đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc khảo sát cho biết họ đã giảm hoặc tạm dừng kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc trong năm qua, mức cao kỷ lục.

“Thế giới đang chia thành các khu vực cạnh tranh nhau”, theo Noah Barkin, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn Rhodium Group. “Có một động lực … theo một cách nào đó, nó tự vận hành. Nó có nguy cơ tăng tốc theo thời gian và trở nên khó điều tiết hơn cho các chính phủ”.

Tăng trưởng chậm

Tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây đè nặng lên đà phục hồi kinh tế thế giới trong năm nay. Nghiên cứu của IMF ước tính sự rạn nứt nghiêm trọng hơn giữa các khối do Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 7% GDP. Sự chia rẽ khiến các doanh nghiệp mất đi khả năng tiếp cận những thị trường quan trọng và khiến việc chia sẻ công nghệ và vốn trở nên khó khăn hơn, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Thiệt hại bắt đầu đè nặng lên doanh nghiệp lớn, đặc biệt là ở những nước châu Âu như Đức. Trong vài thập kỷ gần đây, nước này phát triển mạnh nhờ bán ô tô và máy móc cao cấp cho Trung Quốc. Các hãng ô tô Đức và Nhật Bản như Volkswagen và Toyota chiếm khoảng 30% thị trường Trung Quốc, giảm từ 50% ba năm trước, trong khi các thương hiệu trong nước tăng thị phần, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, một khu vực kinh tế với trung tâm là Bắc Kinh có thể không đủ để đất nước không rơi vào tình trạng trì trệ lâu dài khi phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và nợ cao. Thành công của Trung Quốc cho đến nay phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp cận người tiêu dùng và công nghệ của phương Tây.

Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc vào giữa năm 2018 chiếm 22% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 8 năm nay, tỷ lệ này giảm xuống còn 14%, mặc dù kim ngạch tăng nếu tính theo giá trị tuyệt đối.

Theo dữ liệu từ Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc, một phần tiền đầu tư của phương Tây đang quay trở lại Mỹ hoặc đến những nơi như Mexico và Ấn Độ. Các nước này thu hút đầu tư vào nhà máy và văn phòng mới gấp 4 lần so với Trung Quốc trong năm ngoái.

Kempower – một nhà sản xuất bộ sạc nhanh cho xe điện có trụ sở tại Phần Lan – dự kiến đầu tư 40 triệu USD trong 5 năm tới ở Mỹ, theo CEO Tomi Ristimäki. Ông hy vọng Mỹ sẽ trở thành thị trường quan trọng như châu Âu đối với công ty và cho biết ông không có kế hoạch gia nhập thị trường Trung Quốc. “Môi trường chính trị đã thay đổi. Chúng tôi không chú trọng vào Trung Quốc”.

Dây chuyền sản xuất của Jungheinrich ở Thượng Hải năm 2021.

Dây chuyền sản xuất của Jungheinrich ở Thượng Hải năm 2021.

Jungheinrich – một hãng sản xuất xe nâng của Đức với doanh thu hàng năm gần 5 tỷ euro – từng đặt Trung Quốc lên hàng đầu trong chiến lược công bố vào năm 2020. CEO Lars Brzoska cho biết công ty hiện coi Mỹ là thị trường ưu tiên thay cho Trung Quốc.

Ông Brzoska nói Jungheinrich vẫn chưa đưa ra quyết định về việc rời Trung Quốc, nơi họ có 2 nhà máy và gần 1.000 nhân viên, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng. “Mọi người đang nghĩ về khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan”, ông nói. “Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một vấn đề lớn, rất lớn đối với toàn thế giới. Chúng tôi có thể sẽ tốt hơn với một chiến lược thị trường khác”.

Động lực từ cả hai phía

Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư số tiền lớn vào các nhà máy niken của Indonesia để cung cấp cho ngành xe điện trong nước. Hai hãng công nghệ Tencent và Alibaba mở rộng khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Các công ty khác của Trung Quốc cũng nhắm đến những dự án năng lượng tái tạo ở Mỹ Latinh và Châu Phi.

Theo phân tích của Wall Street Journal dựa trên dữ liệu hải quan của Trung Quốc, Mỹ Latinh, châu Phi và các thị trường đang phát triển châu Á hiện chiếm 36% tổng thương mại của Trung Quốc, so với 33% với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Một phần nguyên nhân là do các nhà máy Trung Quốc đang chuyển sang những nước như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico để tiếp tục bán hàng cho người Mỹ đồng thời tránh thuế quan của Mỹ. Nhưng chuyên môn ngày càng cao của Trung Quốc về điện thoại thông minh, ô tô và máy móc giá rẻ – thu hút khách hàng ở các nước đang phát triển – cũng thúc đẩy sự thay đổi này.

Năm ngoái, hãng ô tô Trung Quốc Great Wall Motors cho biết sẽ chi 1,9 tỷ USD tại bang São Paulo, Brazil, trong thập kỷ tới để sản xuất ô tô hybrid và ô tô điện. BYD đang đầu tư 600 triệu USD vào Brazil và 500 triệu USD vào Thái Lan, nơi họ là hãng ô tô điện bán chạy nhất. Hãng thiết bị gia dụng Trung Quốc Midea mở cơ sở mới ở Ai Cập và Thái Lan vào năm ngoái, đồng thời đang xây dựng các nhà máy ở Brazil và Mexico để phục vụ những thị trường này.

Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy niken ở Indonesia để cung cấp cho ngành xe điện trong nước.

Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy niken ở Indonesia để cung cấp cho ngành xe điện trong nước.

Allen Morrison – giáo sư tại Đại học Bang Arizona – cho biết mặc dù có vẻ như phương Tây là bên thúc đẩy sự tách rời, nhưng động lực thực sự đến từ cả hai phía.

Ở nội địa Trung Quốc, các thương hiệu địa phương như Genki Forest đang ngày càng cạnh tranh với các tên tuổi phương Tây như Coca-Cola. Điện thoại thông minh mới của Huawei với khả năng kết nối dữ liệu cực nhanh sử dụng chip do Trung Quốc sản xuất, giúp hãng cạnh tranh với Apple.

Khi các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các hãng sản xuất công cụ và linh kiện phương Tây, mức độ sử dụng hàng nhập khẩu trong sản xuất công nghiệp của nước này giảm khoảng 50% kể từ mức đỉnh năm 2005 ngay cả khi xuất khẩu vẫn tăng, theo dữ liệu từ CPB – một cơ quan chính phủ Hà Lan theo dõi thương mại toàn cầu.

Sự chia rẽ đến sau nhiều thập kỷ hội nhập. Việc Trung Quốc mở cửa vào thập niên 1980 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 khơi dậy một giai đoạn toàn cầu hóa mới, mang lại đầu tư cho Trung Quốc và hàng tiêu dùng giá rẻ cho phương Tây.

Trật tự kinh tế đó bắt đầu sụp đổ khi giới lãnh đạo phương Tây đặt câu hỏi về mối quan hệ với Trung Quốc – vốn làm suy giảm thị trường việc làm trong một số cộng đồng ở Mỹ và châu Âu. Các công ty phương Tây phàn nàn rằng họ phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.

Trong giai đoạn đầu, việc tách rời kinh tế còn do dự và chủ yếu tập trung vào dòng thương mại của các sản phẩm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như chất bán dẫn, phần cứng máy tính và linh kiện ô tô.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với khoảng 60% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden ngăn cản Trung Quốc mua chip máy tính cao cấp và áp đặt những hạn chế mới đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Washington cũng đưa ra trợ cấp hàng tỷ USD để thu hút sản xuất về nước.

Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong 4 quý kết thúc vào tháng 6 năm nay thấp hơn 78% so với một năm trước đó.

Không thể hoàn toàn tách rời

Mặc dù vậy, khả năng tách rời hoàn toàn giữa Trung Quốc và phương Tây được cho là không thể, nếu không có xung đột quân sự.

Cửa hàng Starbucks ở Bắc Kinh.

Cửa hàng Starbucks ở Bắc Kinh.

Chi phí sản xuất thấp và thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc vẫn khiến nước này trở thành yếu tố không thể thiếu đối với nhiều doanh nghiệp. BASF – công ty hóa chất của Đức – đang đầu tư lên tới khoảng 10,5 tỷ USD vào Trung Quốc cho đến năm 2030. Starbucks, Ralph Lauren và Hormel đang mở rộng ở đây.

Các thương hiệu của Trung Quốc như TikTok và Shein cũng đang xây dựng hoạt động kinh doanh lớn ở Mỹ, mặc dù họ phải đối mặt với áp lực chính trị có thể hạn chế sự phát triển.

Theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trong khi Mỹ giảm nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc như chất bán dẫn và phần cứng máy tính do thuế quan, thì nhập khẩu đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác không bị áp thuế từ thời Trump tăng vọt.

Các quan chức Trung Quốc cho biết họ vẫn hoan nghênh đầu tư của phương Tây, bao gồm những doanh nghiệp như Tesla – công ty đang tăng quy mô sản xuất pin ở Thượng Hải. Washington mô tả chính sách của mình đối với Trung Quốc là “sân nhỏ với hàng rào cao”, nghĩa là họ chỉ muốn kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực nhạy cảm như chip máy tính, nhưng vẫn muốn thương mại và đầu tư song phương tiếp tục ở những lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây đang lỏng hơn. Vào tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ qua cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế lớn sau khi Bắc Kinh thuyết phục nhóm BRICS mời thêm thành viên, bao gồm Ai Cập và Iran.

“Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của sự khởi đầu”, theo Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics. Việc tách rời “hiện đã có động lực và tôi nghĩ nó có có dư địa tiếp tục”.