VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Tiềm năng đất hiếm và năng lượng tái tạo ở Biển Đông

Tiềm năng đất hiếm và năng lượng tái tạo ở Biển Đông

11:53 - 08/11/2023

Các công ty Trung Quốc đi trước trong việc lắp đặt các tua bin gió và thăm dò đất hiếm ở Biển Đông.

Biển Đông được biết đến với tiềm năng hải sản và khai thác dầu khí, nhưng một ngành công nghiệp mới đang nổi lên ở đây: công nghệ sạch.

Theo các nhà phân tích, năng lượng tái tạo và đất hiếm là những cơ hội kinh doanh còn nhiều tiềm năng trên Biển Đông. Họ cho rằng các nước phải nhanh tay tận dụng trước khi xảy ra tranh chấp. Các công ty Trung Quốc đã lắp đặt các trang trại điện gió ở Biển Đông và đang thăm dò những kim loại quan trọng để sản xuất ô tô điện, tấm nặng lượng mặt trời và nhiều sản phẩm công nghệ xanh khác.

Biển Đông được đánh giá có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi.

Biển Đông được đánh giá có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn về gió ngoài khơi ở Biển Đông, nhưng nó không phải là thuốc chữa bách bệnh”, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho biết tại một diễn đàn vào tháng 10 ở Việt Nam.

Nhờ gió mùa trong khu vực, các nhà nghiên cứu đang tìm thấy lượng gió dồi dào trên biển, đặc biệt là vào mùa đông.

Việt Nam, Philippines, Malaysia và Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Đông. Malaysia và Trung Quốc là hai nước đi đầu trong lĩnh vực tinh chế đất hiếm, bao gồm cả đất hiếm ở biển. Lynas – một công ty của Úc – có nhà máy ở Malaysia để phục vụ mục đích này.

Trong bối cảnh thế giới lo ngại nhu cầu đất hiếm có thể vượt xa nguồn cung, ngày càng có nhiều công ty chuyển sang khai thác tài nguyên này dưới đáy đại dương. Hai công ty của Trung Quốc – có kinh nghiệm nghiên cứu các đáy biển xa bờ – gần đây đã bắt tay vào khảo sát ở Biển Đông, theo một cuộc điều tra của tờ Washington Post vào tháng trước.

Giáo sư Aswani Dravid của Đại học Dầu khí và Nghiên cứu Năng lượng (Ấn Độ) cho biết, với 72% đại dương trên thế giới nằm ngoài khu vực kinh tế của các quốc gia, cần phải thảo luận về cách chia sẻ “di sản chung” của “một đại dương toàn cầu”. Trong cơn sốt kim loại pin và các sản phẩm khác, bà dự đoán tác hại đối với môi trường biển và căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông sẽ tăng lên.

Bà nói tại diễn đàn Biển Đông ở TP HCM: “Các chủ thể phi nhà nước đôi khi sẽ cạnh tranh ngay cả với các quốc gia vì hầu hết những thương gia hàng hóa trong phân khúc đất hiếm đều giàu hơn các nước trong khu vực”. Bà bổ sung rằng đất hiếm có tiềm năng nhưng khu vực cần công nghệ khai thác mới, những khoản đầu tư “khổng lồ”, chia sẻ kiến thức và quy định.

Bà nhắc đến năng lượng sạch như một mô hình hợp tác đa quốc gia. Tháng trước, tập đoàn Sembcorp của Singapore cho biết họ sẽ nhập khẩu năng lượng gió từ Petrovietnam, PT PLN của Indonesia và Gentari của Malaysia.

Một số công ty bắt đầu lắp đặt các tuabin gió ở Biển Đông, gần đây nhất là Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cách đảo Hải Nam về phía nam 136 km.

“Công ty đã tận dụng tối đa lợi thế so sánh nội tại của chúng tôi và các công nghệ năng lượng gió hàng đầu của Trung Quốc”, Chủ tịch công ty Wang Dongjin cho biết trong một tuyên bố. “Nó cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng để công ty khai thác các nguồn năng lượng xanh ngoài khơi”.

Giảng viên Dawoon Jung của Đại học Wollongong (Úc) cho biết, khi các tuabin biển sâu nhân rộng trong vùng biển quốc tế, các chính phủ phải đồng ý về “vùng an toàn” xung quanh chúng, bao gồm việc cho phép các sĩ quan tuần duyên bắt giữ những thủy thủ tàu đến quá gần.

“Cần phải cân bằng niềm tin giữa quyền phát triển trang trại gió ngoài khơi của các nước ven biển và quyền hàng hải của các nước khác”, bà nói.