VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Chạy theo thị hiếu Trung Quốc, nông dân Tây Nguyên chặt cà phê để trồng sầu riêng

Chạy theo thị hiếu Trung Quốc, nông dân Tây Nguyên chặt cà phê để trồng sầu riêng

17:56 - 12/11/2023

Theo tờ Wall Street Journal, nông dân ở Tây Nguyên đang thu lợi nhuận lớn nhờ bán sầu riêng cho Trung Quốc. Nhưng một số người lo lắng về sự phụ thuộc quá mức vào thị trường này.

Ở làng quê Tây Nguyên, những kho hàng to bằng nhà chứa máy bay chất đầy các ụ trái cây. Chúng dành cho một thị trường khổng lồ: Trung Quốc.

Nông dân đang chặt hạ những cây cà phê truyền thống ở đây để trồng sầu riêng, loại trái cây ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc. Họ dùng lợi nhuận thu được để mua hệ thống tưới tiêu mới, trả nợ và xây mặt tiền nhà bằng đá cẩm thạch sáng bóng.

Nói với tờ Wall Street Journal, Phạm Văn Trung – 54 tuổi – cho biết: “Người dân địa phương chúng tôi không chỉ làm ăn tốt mà thậm chí còn được coi là giàu có”. Ông Trung kiếm được 2 tỷ đồng trong năm nay nhờ bán sầu riêng, và cho biết khu vực của mình rất đông thương nhân Trung Quốc.

Sầu riêng ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc.

Sầu riêng ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nhu cầu nông sản nước ngoài của Trung Quốc tăng lên cùng với sức mua của người tiêu dùng. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, giá trị thực phẩm nhập khẩu của quốc gia đông dân thứ hai thế giới tăng lên hơn 200 tỷ USD mỗi năm – nhiều hơn bất kỳ nước nào khác – từ mức khoảng 15 tỷ USD hai thập kỷ trước. Người trồng bơ ở Kenya, người nuôi tôm ở Ấn Độ, người trồng đậu nành ở Nga và người trồng chuối ở Campuchia đều hưởng lợi từ điều này.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại gần đây và dân số đang giảm, nhu cầu thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt bò và trái cây nhiệt đới vẫn cao.

Năm ngoái, người Trung Quốc tiêu thụ hơn 800.000 tấn sầu riêng nhập khẩu và gần 6 triệu tấn thịt nhập khẩu – đều dẫn đầu thế giới. Họ cũng mua 90 triệu tấn đậu nành từ nước ngoài – chiếm khoảng 60% tổng thương mại toàn cầu – để làm đậu phụ và làm thức ăn cho hàng trăm triệu con lợn trong nước.

Nhu cầu trái cây nhiệt đới của người Trung Quốc vẫn cao dù kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Nhu cầu trái cây nhiệt đới của người Trung Quốc vẫn cao dù kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Việc cung cấp thực phẩm cho tầng lớp trung lưu đông đảo của Trung Quốc mang lại cơ hội lịch sử cho các quốc gia đang tìm cách nâng cao thu nhập của người dân ở những vùng nông thôn nghèo. Nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề: làm thế nào để thâm nhập vào một thị trường khổng lồ mà không trở nên phụ thuộc vào một đối tác thương mại thất thường.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy, dứa Đài Loan, chuối Philippines và tôm hùm Australia. Họ thường viện dẫn các vấn đề về vệ sinh, sâu bệnh hoặc chất lượng – nhưng những hạn chế này cũng thường trùng hợp với tranh chấp chính trị.

Năm 2020, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang xuất khẩu của Úc sau khi nước này kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19. Năm 2012, Trung Quốc ngừng mua chuối từ Philippines sau khi căng thẳng giữa hai nước ở Biển Đông bùng phát.

“Với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, họ luôn có thể sử dụng thương mại để trừng phạt một nước xuất khẩu”, theo Yun Sun – giám đốc chương trình về Trung Quốc tại một viện nghiên cứu ở Washington. Bán hàng cho Trung Quốc là “một cơ hội, và là một rủi ro”, bà nói.

Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu của Úc sau khi nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19.

Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu của Úc sau khi nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19.

Rủi ro cao hơn vì khi cơ hội xuất khẩu sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc mở ra, thông thường, toàn bộ một khu vực nông nghiệp sẽ hướng đến nó. Điều này có thể dẫn đến cái mà bà Sun gọi là “sự đơn nhất hóa” – sự tập trung của nền kinh tế địa phương vào chỉ một sản phẩm, khiến nó dễ tổn thương nếu có gián đoạn.

Đó là điều dường như đang xảy ra ở Tây Nguyên. Khu vực này nổi tiếng với cà phê Robusta được bán khắp thế giới. Nhưng năm ngoái, Bắc Kinh mở cửa cho sầu riêng của Việt Nam với quy mô lớn – và nông dân ở đây bắt đầu chặt bỏ cây cà phê. Các thương nhân đổ xô đi mua sản phẩm, khiến giá trong nước tăng hơn gấp đôi trong năm nay.

Bế Đức Huỳnh – một nông dân 26 tuổi đã bỏ cả vụ cà phê của mình – cho biết số tiền anh kiếm được từ một ha sầu riêng gấp 5 lần số tiền kiếm được từ cà phê. Anh thu hoạch 4 tấn sầu riêng trong năm nay, so với 1 tấn năm ngoái. Tất cả đều xuất sang Trung Quốc.

Trung Quốc mua khoảng 90% xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Phần lớn thanh long, chuối, xoài và mít cũng được bán sang nước láng giềng khổng lồ. Trong những tháng gần đây, khoảng 60% xuất khẩu rau quả của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, tăng từ mức 1/3 cách đây một thập kỷ.

Trong giai đoạn thu hoạch mùa thu, không khí làng quê mang mùi sầu riêng nồng nặc. Các gia đình xếp hàng đống sầu riêng trước nhà để lôi kéo thương nhân – những người dùng cán dao đập vỏ sầu riêng để kiểm tra chất lượng. Cứng có nghĩa là quả còn quá non, mềm nghĩa là quả chín và có thể bán được giá cao hơn.

Giá sầu riêng trong nước tăng hơn gấp đôi trong năm nay khi được thương nhân đổ xô thu mua.

Giá sầu riêng trong nước tăng hơn gấp đôi trong năm nay khi được thương nhân đổ xô thu mua.

Một buổi chiều mới đây, thương nhân sầu riêng Nguyễn Thái Huyền dùng móng tay đào vào ruột sầu riêng, nếm thử từng miếng để xác định mức độ chín. Cô đăng những video trên TikTok đi thăm các trang trại và về những núi sầu riêng mà cô bán. “Mấy năm trước người ta coi sầu riêng là cây trồng để giảm nghèo”, cô nói. “Bây giờ nó là cây trồng triệu đô”.

Cô đã thử bán sang Nhật, nhưng cho biết người mua ở đó chỉ lấy số lượng nhỏ. Cô không quá lo về việc phụ thuộc vào Trung Quốc, cho rằng sầu riêng vẫn còn dư địa phát triển ở nước này vì nhiều người vẫn chưa quen với nó.

Chính phủ không chắc chắn như vậy. Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra cảnh báo về việc trồng sầu riêng thiếu kiểm soát, nói rằng nhiều nông dân đang từ bỏ các loại cây trồng truyền thống như cà phê và lúa gạo để trồng sầu riêng ở những khu vực không phù hợp. Các chuyên gia nông nghiệp khuyến khích nông dân phát triển những thị trường thay thế cho Trung Quốc và cố gắng bán nhiều nông sản hơn trong nước.

Nhiều nông dân Việt Nam đang bỏ các cây trồng truyền thống như cà phê và lúa gạo để trồng sầu riêng.

Nhiều nông dân Việt Nam đang bỏ các cây trồng truyền thống như cà phê và lúa gạo để trồng sầu riêng.

Điều đó nói dễ hơn làm, theo các thương nhân. Loại trái cây này có ít người ăn ngoài khu vực, và giá cao gần đây khiến sầu riêng nằm ngoài tầm với của nhiều người Việt Nam.

Tuy nhiên, nông dân nói rằng họ vẫn muốn cẩn thận. Hồi tháng 9, một số mặt hàng trái cây xuất khẩu bao gồm sầu riêng bị tạm dừng thông quan khi Bắc Kinh phàn nàn về rệp sáp và các loài gây hại khác. Tháng 1/2022, nông sản trong nhiều xe tải bị thối rữa ở các cửa khẩu khi Trung Quốc phong tỏa biên giới phía nam vì Covid-19.

Nông dân H’Meng trồng hàng trăm cây sầu riêng trong những năm gần đây. Cô cho biết cô đang dự định trồng thêm cà phê vì giá ổn định hơn do thị trường không chỉ tập trung vào một nước. “Tôi lo trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc”, cô nói.