VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

11:48 - 30/11/2023

Nhà ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc chiến tranh Việt Nam và định hình chính sách Chiến tranh Lạnh của Mỹ.

Nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger vừa qua đời ở tuổi 100, theo tuyên bố đăng trên trang web của ông, kết thúc cuộc đời của một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ.

Henry Kissinger là một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ.

Henry Kissinger là một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ.

Học giả sinh ở Đức này là quan chức Mỹ duy nhất từng đảm nhiệm cùng lúc chức vụ ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, trao cho ông quyền lực lớn trong các nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon và Gerald Ford. Điều đó giúp ông kết thúc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và định hình chính sách đối với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Các thành tích ngoại giao của ông Kissinger được tán dương bởi những người Mỹ muốn kết thúc Chiến tranh Việt Nam và lo sợ thảm họa hạt nhân. Nhưng ông bị chỉ trích bởi những người cánh tả cho rằng ông chịu trách nhiệm về hành động quân sự tàn bạo ở nước ngoài và những người cánh hữu cho rằng không nên hòa hoãn với các nước Cộng sản.

Ông thắng giải Nobel Hòa bình năm 1973, cùng với chính khách Lê Đức Thọ của Việt Nam, vì đàm phán ngoại giao để tiến tới ký kết Hiệp định Hòa bình Paris, chấm dứt chiến dịch quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Ông Thọ từ chối nhận giải vì nói rằng chưa đạt được hòa bình. Ông Kissinger nhận giải “với sự khiêm tốn”, và đề nghị trả lại nó 2 năm sau, khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.

Lê Đức Thọ và Henry Kissinger thắng giải Nobel Hòa bình năm 1973 vì đàm phán ngoại giao để tiến tới ký kết Hiệp định Hòa bình Paris.

Lê Đức Thọ và Henry Kissinger thắng giải Nobel Hòa bình năm 1973 vì đàm phán ngoại giao để tiến tới ký kết Hiệp định Hòa bình Paris.

“Henry Kissinger … viết quyển sách về ngoại giao theo đúng nghĩa đen”, cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu vào năm 2014. Ông Kissinger “đã cho chúng ta vốn từ vựng về ngoại giao hiện đại, chính những từ “ngoại giao con thoi” và “kiên nhẫn chiến lược””.

Trong nửa thế kỷ, ông Kissinger không bao giờ lẩn tránh sự chú ý của công chúng và ngoại giao toàn cầu. Ông tận dụng mối quan hệ của mình với các chính phủ nước ngoài và lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu để lập một công ty tư vấn vào năm 1982.

Ông duy trì viết sách đến hơn 90 tuổi, xuất bản những cuốn sách về lịch sử, chính sách chiến lược và hoạt động ngoại giao của mình. Trong cuốn sách “Trật tự thế giới” xuất bản năm 2014, ông đưa ra quan điểm của mình về một thế giới ngày càng chia rẽ nhưng cũng phụ thuộc lẫn nhau.

Một trong những thành tựu lớn nhất của ông là khởi xướng việc Mỹ tiếp cận với Trung Quốc vào đầu thập niên 1970, dẫn đến hai nước khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Việc thực hiện thành công “lá bài Trung Quốc” được cho là giúp nghiêng cán cân toàn cầu chống lại Liên Xô và đẩy nhanh quá trình hội nhập của Bắc Kinh vào nền kinh tế quốc tế.

Henry Kissinger gặp Mao Trạch Đông trong một chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh năm 1973.

Henry Kissinger gặp Mao Trạch Đông trong một chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh năm 1973.

Hội nghị thượng đỉnh lịch sử năm 1972 giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông do ông Kissinger làm trung gian trong 2 chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh những tháng trước. Ông đánh lạc hướng tình báo nước ngoài và truyền thông bằng cách đi sang Pakistan trước khi đến Bắc Kinh trong một máy bay quân sự Pakistan.

Ông cũng đàm phán để chấm dứt Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 bắt đầu từ các cuộc tấn công chung của Ai Cập và Syria vào Israel.

Ông sinh vào năm 1923 với tên khai sinh Heinz Alfred Kissinger trong một gia đình người Đức gốc Do Thái ở Bavaria. Năm 1938, cha mẹ ông di cư sang Mỹ khi cộng đồng Do Thái ở Đức bị Đảng Quốc xã đàn áp. Ông nhập ngũ năm 1943 ở tuổi 20, tham chiến ở Pháp và Đức. Sau chiến tranh, ông nghiên cứu và giảng dạy khoa học chính trị tại Đại học Harvard, lấy bằng Tiến sĩ năm 1954. Trải nghiệm cuộc sống khiến ông có xu hướng đề cao sự ổn định toàn cầu hơn là những mục tiêu ý thức hệ cao cả.

Sử dụng vị trí của mình ở Harvard, ông chuyển sang làm cố vấn cho các chính khách ở Washington. Ông được mời làm cố vấn an ninh quốc gia cho ông Nixon sau khi thắng cử tổng thống năm 1968, và cùng lúc giữ vị trí ngoại trưởng từ năm 1973.

Henry Kissinger là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng trong nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon.

Henry Kissinger là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng trong nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon.

Sau khi rời các vị trí trong chính phủ, ông tiếp tục cố vấn cho Nhà trắng và quốc hội Mỹ đến hơn 90 tuổi, nhưng nhận xét rằng ông không chắc cách làm ngoại giao của mình có thành công được hay không trong thời đại kỹ thuật số. Điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và mạng xã hội hạn chế khả năng duy trì bí mật cần thiết cho những đột phá ngoại giao lớn, ông nói.

Ông lo ngại Internet đang có tác động ăn mòn trí tuệ con người và thời hiện đại khó tạo ra những nhà lãnh đạo hiểu biết.

Trong những năm cuối đời, ông nhận xét rằng Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Mỹ vì sở hữu sức mạnh và nguồn lực tương đương. Ông cho rằng Mỹ cần kiềm chế sự thù địch với Bắc Kinh và theo đuổi đối thoại.

Giới lãnh đạo Trung Quốc dành cho ông sự tiếp đón nồng nhiệt tại Bắc Kinh khi ông đến thăm vào tháng 7/2023, sau khi ông tròn 100 tuổi. Ông gặp các quan chức Trung Quốc bao gồm chủ tịch Tập Cận Bình, ngoại trưởng Vương Nghị và bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc.

Henry Kissinger gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm nay.

Henry Kissinger gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm nay.

Ông qua đời để lại vợ Nancy cùng hai con David và Elizabeth Kissinger, mà ông có với người vợ đầu tiên, Anne Fleischer.