VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»PMI sản xuất Việt Nam xuống thấp nhất 5 tháng, số lượng đơn hàng mới giảm

PMI sản xuất Việt Nam xuống thấp nhất 5 tháng, số lượng đơn hàng mới giảm

12:06 - 01/12/2023

PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 49,6 trong tháng 10 xuống 47,3 trong tháng 11, dưới 50 điểm trong tháng thứ ba liên tiếp. Nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới giảm sau 3 tháng tăng trước đó.

Nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam giảm trong tháng 11, làm cho sản lượng giảm mạnh hơn. Các doanh nghiệp cũng cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời tỏ ra ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho.

Ở một mức độ nào đó, số lượng đơn đặt hàng mới giảm thể hiện phản ứng của khách hàng đối với giá bán hàng tăng. Tuy nhiên, các công ty tăng giá bán hàng trong tháng thứ tư liên tiếp để phản ứng với lạm phát chi phí đầu vào mạnh nhất kể từ tháng 2.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 47,3 trong tháng 11 từ mức 49,6 trong tháng 10, theo S&P Global. Điều này báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm đáng kể và đánh dầu tháng thứ ba liên tiếp lĩnh vực sản xuất thu hẹp (PMI dưới 50 điểm).

Sau 3 tháng liên tiếp ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng, chỉ số này giảm trở lại trong tháng 11. Tốc độ giảm lớn nhất kể từ tháng 5. Nhu cầu của khách hàng yếu hơn được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trong số lượng đơn đặt hàng mới. Nhu cầu của khách hàng quốc tế cũng yếu với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm lần đầu trong 4 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát nói rằng khách hàng không muốn trả giá cao hơn cho sản phẩm.

Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm và điều kiện kinh tế thách thức, các doanh nghiệp quyết định thu hẹp quy mô sản xuất. Sản lượng giảm trong tháng thứ ba liên tiếp và tốc độ giảm trong tháng 11 cao nhất kể từ tháng 5.

Áp lực chi phí lại tăng vào giữa quý IV, với lạm phát lên cao nhất trong 9 tháng. Đồng nội tệ giảm được cho là nguyên nhân dẫn đến giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao, với nhiên liệu, dầu và đường nằm trong số những mặt hàng đầu vào có giá tăng trong tháng. Theo đó, các doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm trong tháng thứ tư liên tiếp.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm, yêu cầu sản lượng giảm và lượng công việc tồn đọng giảm thêm khiến các doanh nghiệp sản xuất tìm cách thu hẹp quy mô mua hàng và việc làm trong tháng 11.

Số việc làm giảm nhẹ sau khi có cải thiện đôi chút trong tháng 10, lần giảm thứ 8 trong 9 tháng qua. Trong khi đó, hoạt động mua hàng kết thúc chuỗi 3 tháng tăng trưởng ổn định sau khi giảm nhẹ trong tháng 11.

Các công ty cũng ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho khi nhu cầu yếu. Kết quả là tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Hàng tồn kho trước sản xuất giảm mạnh, lớn nhất kể từ tháng 6. Tồn kho sau sản xuất chỉ giảm nhẹ.

Nhu cầu đầu vào thấp hơn và lượng hàng tồn kho đủ giúp các nhà cung cấp tiếp tục tăng tốc độ giao hàng, kéo dài chuỗi cải thiện lên 11 tháng. Dù vậy, thời gian giao hàng chỉ được rút ngắn một chút và ở mức độ thấp nhất trong giai đoạn này. Một số người trả lời khảo sát cho biết các nhà cung cấp thu hẹp quy mô hoạt động, dẫn đến hiệu suất hoạt động của nhà cung cấp cải thiện ít hơn.

Mặc dù các doanh nghiệp kỳ vọng sản lượng sẽ tăng trong năm tới nhờ hy vọng số lượng đơn đặt hàng mới cải thiện, nhưng niềm tin kinh doanh giảm tháng thứ hai liên tiếp và ở dưới mức trung bình. Họ bày tỏ lo lắng về sự mong manh của điều kiện kinh tế và nhu cầu quốc tế yếu.

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét: “Nhu cầu yếu, cả ở thị trường trong nước và quốc tế, dẫn đến sự suy giảm trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 11. Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất, việc làm và mua hàng, đồng thời hạn chế nắm giữ hàng tồn kho”.

“Số lượng đơn đặt hàng mới giảm trở lại một phần là do khách hàng phản ứng với việc tăng giá. Với chi phí đầu vào của chính họ tăng mạnh nhất kể từ tháng 2, các nhà sản xuất có thể khó đặt giá cạnh tranh trong những tháng tới”.

“Do đó, lĩnh vực này có vẻ sẽ bước sang năm 2024 một cách khá ảm đảm với hy vọng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại”.